Kỷ niệm 202 năm Ngày sinh Các Mác (5.5.1818 - 5.5.2020):
Di sản có sức sống bền vững
Là người thầy, lãnh tụ, nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, Các Mác (Karl Marx) sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, chính trị học, kinh tế học và triết học Mác xít. Di sản của Các Mác có giá trị trường tồn và sức sống bền vững trong lòng nhân loại tiến bộ và nhân dân Việt Nam.
Karl Heinrich Marx
Giá trị trường tồn của học thuyết Các Mác
Giá trị bao trùm, xuyên suốt, có ý nghĩa chi phối sự phát triển của nhân loại là trên cơ sở tổng kết tri thức nhân loại. Dưới góc nhìn đó, Các Mác đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học. Lý luận khoa học của Các Mác - một cương lĩnh chính trị, lý luận có giá trị định hướng thời đại - đi vào phong trào công nhân, trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động thế giới, giúp họ nhận thức thế giới, đi tới cải tạo thế giới.
Những quan điểm của Các Mác về vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, dẫn đường cho giai cấp công nhân đấu tranh và xây dựng đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản. Theo Các Mác, Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân có mối quan hệ mật thiết bằng sợi dây lợi ích giữa Đảng với giai cấp. Đảng Cộng sản gồm những người kiên quyết nhất, triệt để nhất, nắm rõ điều kiện, tiến trình và kết quả của phong trào vô sản và luôn luôn thúc đẩy phong trào vô sản tiến lên. Đảng Cộng sản ra đời làm cho phong trào công nhân từ trình độ tự phát sang trình độ tự giác.
Từ những điều kiện thực tại của phong trào lịch sử giữa thế kỷ XIX, Các Mác đã chỉ ra một cách rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để, phép biện chứng về lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng của giai cấp vô sản, một giai cấp hoàn toàn có khả năng sáng tạo ra xã hội mới. Khẳng định vai trò to lớn, có tính tất yếu nhất thời về mặt lịch sử của sự phát triển một lực lượng sản xuất đồ sộ do giai cấp tư sản tạo ra và nghiên cứu thấu đáo mâu thuẫn cơ bản của lực lượng sản xuất ngày càng mang tính xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, dẫn đến bóc lột công nhân, Các Mác chỉ ra rằng, chính giai cấp tư sản đã rèn vũ khí và tạo ra đội quân sử dụng vũ khí ấy để chống lại nó, đó là những người vô sản.
Nguyên lý về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không đơn thuần là câu chuyện về giai cấp và đấu tranh giai cấp như có người hiểu một cách phiến diện, tầm thường. Xuất phát từ thực tế, nhận thức rõ quy luật khách quan, Các Mác chỉ rõ sự ra đời hợp quy luật lịch sử của một xã hội mới thay thế xã hội tư bản và động lực của quá trình đó lại chính do chủ nghĩa tư bản tạo ra. Vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã khẳng định: Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau.
Các Mác chỉ ra rằng, giai cấp vô sản được giải phóng đồng nghĩa với giải phóng toàn xã hội, giải phóng nhân loại, giải phóng con người với hàm nghĩa “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Đó chính là điểm nhấn rất quan trọng trong tư tưởng của Các Mác về mối quan hệ giai cấp - dân tộc - nhân loại. Vấn đề nằm ở chỗ giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, tức là đại diện cho lợi ích của dân tộc. Nhưng với bản chất quốc tế, giai cấp vô sản còn đại diện cho lợi ích của nhân loại. Đây là biểu hiện sáng ngời của một chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn.
Tư tưởng vĩ đại của Các Mác bất diệt
Hơn một thế kỷ trôi qua từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 dưới ánh sáng của chủ nghĩa Các Mác, nhân loại đã chứng kiến biết bao biến đổi lớn lao và thăng trầm của lịch sử. Không ai có thể phủ nhận vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến tranh vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít mà ngọn cờ lãnh đạo thuộc về giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Không một thế lực nào có thể xem nhẹ sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và các phong trào đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ của thế giới. Sự thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, cách mạng Cuba, cách mạng Việt Nam và một số nước khác chứng tỏ giá trị, sức sống vĩ đại và ý nghĩa vạch thời đại của học thuyết Các Mác.
Giá trị lớn nhất nằm ở chiều sâu của khoa học và thực tiễn trong kho tàng vô giá của học thuyết Các Mác, đôi khi bị người ta lãng quên hoặc nhận thức chưa đến nơi đến chốn. Đó là giá trị sâu sắc, hoàn chỉnh về tính biện chứng của lịch sử; về mối quan hệ giữa chiều hướng lịch sử khách quan, tất yếu và sự không bằng phẳng của lịch sử, của hiện thực xã hội. Sức sống bền vững, ý nghĩa soi đường của học thuyết Các Mác còn ở chỗ nó không phải là kinh thánh mà là kim chỉ nam cho hành động, là mặt trời soi sáng con đường nhân loại đi tới hạnh phúc.
Nói cách khác, để nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị của tư tưởng Các Mác, phải hiểu được mối quan hệ giữa nhận thức và hành động, giữa phương hướng và những việc làm cụ thể qua thực tế. Một tư tưởng, một nguyên lý dù khoa học và cách mạng đến mấy, nếu không được vận dụng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp từng lúc, từng nơi; nếu không được áp dụng vào hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể trên một cơ sở hiện thực nhất định với mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó, thì không thể thành công, thậm chí thất bại.
Sức sống bền vững, giá trị cơ bản, đích thực của Các Mác không phải ở chỗ cung cấp những lời giải đáp có sẵn cho mọi vấn đề của thực tiễn hôm nay mà chính là ở chỗ phản ánh khái quát quy luật vận động khách quan của lịch sử; chỉ ra phương thức để đi đến được cái đích cuối cùng của tiến trình cách mạng không ngừng là xây dựng, sáng tạo một xã hội mới về mọi phương diện, giải phóng loài người khỏi mọi hình thức tha hóa. Muốn thực hiện được điều đó, giai cấp vô sản mỗi nước, xuất phát từ những điều kiện lịch sử cụ thể, phải hoàn thành nhiệm vụ từng bước, từng lúc, từng nơi, trên cơ sở biết vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Các Mác.
Nhận thức một cách biện chứng, khoa học về mặt lý luận thì phải hiểu rằng, lịch sử thế giới không bao giờ là một con đường thẳng tắp, bằng phẳng, mà có những khúc quanh. Để xác lập được địa vị của mình, giai cấp tư sản phải mất hai, ba thế kỷ từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời vào thế kỷ XV. Cách mạng xã hội chủ nghĩa càng như vậy. Bởi vì cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng toàn diện nhất, sâu sắc nhất, triệt để nhất; thay đổi cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.
Điều đó cho thấy rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tuy là điều bất ngờ, một tổn thất vô cùng to lớn, nhưng đó là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể. Sự tan rã là do Đảng Cộng sản ở các nước đó xa rời nguyên lý của chủ nghĩa Các Mác. Đó hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Các Mác, không bắt nguồn từ bản chất của chủ nghĩa xã hội khoa học mà ông đề ra. Xem xét một cách biện chứng, khoa học thì phải coi sự sụp đổ của Liên Xô là “lùi một bước ngắn để tiến những bước dài hơn”. Tư tưởng của Các Mác vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, đích thực, sâu xa, bền vững, vì nó hướng tới tương lai.
Thành tựu của cách mạng nước ta trong hơn 90 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đặc biệt qua gần 35 năm đổi mới là nhờ chúng ta biết vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Dưới ánh sáng khoa học và cách mạng của học thuyết Các Mác, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phù hợp với thực tiễn của nước ta và xu thế phát triển của thế giới. Bài học lớn đầu tiên của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó chứng tỏ tư tưởng vĩ đại của Các Mác là bất diệt!
PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG
Theo HNM