Sách chiếu bóng & khoảng trời của mẹ và con
Rèn con đọc sách, khó không? Khó, một bà mẹ như tôi thấy vậy. Làm thế nào đưa con mình vào thế giới của những trang sách - hóa ra có khá nhiều bà mẹ cũng băn khoăn giống tôi và phần nhiều đều bỏ cuộc do không tìm thấy câu trả lời thỏa đáng hoặc không đủ kiên nhẫn để thực hiện các lời khuyên.
Tôi thiếu kiên nhẫn khi chơi những trò chơi hiện đại với con mình, đã vậy tôi lại sợ con mình quan tâm quá nhiều đến thiết bị công nghệ mà bỏ lơ những trang sách mà tôi cho là “lấp lánh ước mơ”. Món quà sinh nhật tuổi lên 2 của con, tôi tặng con một bộ sách chiếu bóng thiếu nhi của Nhà xuất bản Đinh Tị. Trước đó, tôi cũng tập tành mua sách cho con, song niềm hứng khởi với sách chưa đủ lớn để bé bỏ dở những trò chơi khác. Nhưng không sao, mẹ con tôi có chung niềm vui xem sách, dù chỉ là sách chiếu bóng. Trên mảng tường đen của những buổi tối, cả gia đình tôi lại bày trò chiếu bóng tại gia. Cậu con trai 4 tuổi của tôi giữ việc chuẩn bị hậu trường buổi chiếu bóng gồm những cuốn sách mà cậu thích, một chiếc đèn pin xịn và chỗ ngồi dễ chịu nhất. Mẹ là người đọc, và bố lật giở những trang sách. Trên chiếc tivi tường đó, những hình ảnh sống động từ những trang sách chiếu bóng hiện ra, mỗi trang sách là một câu chuyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích không mới, thế nhưng tự mình xem sách và kể câu chuyện đó như một đoạn phim tua chậm, có điều thú vị riêng. Trò chơi này cuốn hút cả nhà tôi, ban đầu là để cho con tôi vui, nhưng dần dần chính tôi cũng hào hứng theo. Con trai tôi cũng thế, dù ít, dù nhiều, cậu khá háo hức với những buổi chiếu bóng. Cũng một câu chuyện tôi đọc, lần sau thường không khác lần trước bao nhiêu nhưng từ những câu hỏi, thắc mắc của cậu bé 4 tuổi, cứ mỗi lần nó lại lấp lánh một thứ ánh sáng khác.
Những trò chơi trẻ con vẫn là niềm thích thú của cậu. Nhưng dần dần, trong những trò chơi, trong những lựa chọn, sắp xếp, con tôi biết dành khoảng thời gian nhất định để cùng ba mẹ xem sách chiếu bóng. Quen dần với những trang sách chiếu bóng, cu cậu bắt đầu tò mò rằng vì sao mẹ lại chúi mũi vào sách báo nhiều thế và rồi chính cậu cũng hăng hái… xem ảnh, nhờ mẹ giải thích cái ảnh này nó nói cái gì.
Khởi đầu để con tiếp xúc và làm quen với sách như vậy là được, tôi nghĩ vậy và tin rằng đó là cách mà mỗi gia đình có thể nuôi dưỡng thói quen đọc sách và chung vui cùng nhau.
QUANG BẢO