“Tiền cổ Việt Nam” - một cuốn sách giá trị
Tiền cổ Việt Nam (tác giả: PGS-TS-Nhà cổ tiền học Đỗ Văn Ninh, nguyên Viện phó Viện Sử học Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học & Xã hội phối hợp với Viện Sử học Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Mai Hà - MaiHa Books ấn hành) gồm 14 chương, trong đó có những chương quan trọng, như: “Việc nghiên cứu tiền cổ ở Việt Nam”; “Tiền cổ thời Lý - Trần”; “Tiền cổ thời Hồ”; “Tiền cổ thời Lê Sơ”; “Tiền cổ thời Mạc”; “Tiền cổ thời Lê Trung Hưng”; “Tiền cổ thời Tây Sơn”; “Tiền cổ đời Gia Long”; “Tiền cổ cuối thời Nguyễn”; “Đơn vị tiền và đúc tiền”; “Tiền cổ và nền kinh tế hàng hóa”…
Ở mỗi chương, tác giả đi sâu giới thiệu những vấn đề liên quan. Chẳng hạn ở chương “Việc nghiên cứu tiền cổ ở Việt Nam”, tác giả đã tập trung giới thiệu một số vấn đề như: Đặc điểm của di vật; Giá trị của di vật; Mỗi thời mỗi vẻ; Đồng tiền gì cũng rất hay đánh lừa; Vài nét về việc nghiên cứu tiền cổ ở Việt Nam… Hay như chương “Tiền cổ thời Lý - Trần”, tác giả giới thiệu những nội dung liên quan, như: Tiền cổ triều Đinh; Tiền cổ triều Tiền Lê; Tiền cổ triều Lý; Tiền cổ triều Trần; Những mẫu tiền chưa được xác định.
Đáng lưu ý ở chương “Tiền cổ thời Tây Sơn”, tác giả tập trung giới thiệu một số vấn đề như: Các kiểu loại tiền; Vị trí tiền thời Tây Sơn. Đặc biệt, tác giả đã dành 20 trang để giới thiệu về vai trò, vị trí, giá trị của những loại tiền thời Tây Sơn. Tiêu biểu trong số này là các loại tiền: Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh. Theo PGS-TS Đỗ Văn Ninh “tiền Tây Sơn không những chỉ được nhân dân trong nước tín nhiệm tiêu dùng mà mãi hàng nửa thế kỷ sau khi triều Tây Sơn mất, còn lưu hành ra cả nước ngoài”.
Giá trị của Tiền cổ Việt Nam không chỉ là những tư liệu sử quý giá, mà còn là “cuốn cẩm nang” hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập bởi từ đây còn hé ra nhiều thông tin, tư liệu, kiến thức khác liên quan đến mọi mặt của cuộc sống.
VIẾT HIỀN