Bảo vệ động vật rừng hoang dã, quý hiếm: Nhận thức đúng, chuyển biến tốt
Thời gian qua, bên cạnh việc hạn chế được hiện tượng săn bắn trái phép, ngày càng có thêm nhiều trường hợp người dân khi phát hiện động vật rừng thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm đã báo cáo hoặc tự nguyện giao nộp cho ngành chức năng.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến chuyển biến tích cực trên là Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) đã thường xuyên phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ động vật rừng hoang dã, quý hiếm, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Ngành Kiểm lâm tiếp nhận cá thể động vật rừng thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm do người dân giao nộp vào tháng 4.2020.
Ông Phan Văn Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX An Nhơn, cho biết: “Tại các buổi tuyên truyền các quy định về bảo vệ rừng và PCCC rừng, chúng tôi luôn lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ động vật rừng hoang dã, quý hiếm để người dân nắm bắt. Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều cá thể động vật rừng thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm, như culi, tê tê java, khỉ mặt đỏ, do người dân tự nguyện giao nộp”.
Đáng chú ý là một số người dân khi phát hiện động vật rừng hoang dã bị nuôi nhốt đã tự bỏ tiền ra mua lại để giao nộp lại cho ngành chức năng. Chị Trảo Chung Thủy Tiên, ở phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), kể lại: “Cuối tháng 9.2019, tôi đang ngồi trong một quán nước ở TP Quy Nhơn thì phát hiện một con culi nhỏ đi lạc vào quán, tôi bắt được và dò hỏi thì được biết con culi này do một người dân sống gần đó đang nuôi. Tôi liền vận động người đó bán lại cho tôi, rồi tôi liên hệ với Chi cục Kiểm lâm để giao nộp”.
Một buổi tối đầu tháng 2.2019, anh Huỳnh Văn Hóa, ở xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) phát hiện một con culi nhỏ đang đu trên dây điện trước nhà, liền bắt và giao nộp cho ngành Kiểm lâm để chăm sóc, bảo vệ. “Khi tôi bắt được con culi, tôi nói con tôi lên mạng tra thông tin thì biết đây là loài động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IB cần được bảo vệ. Tôi nhốt tạm qua đêm, đến sáng hôm sau liên hệ với Hạt kiểm lâm thị xã để giao nộp”, anh Hóa chia sẻ.
Ông Mai Xuân Tình, Giám đốc Công viên động vật hoang dã FLC - chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm - khuyến cáo: “Người dân khi phát hiện động vật rừng hoang dã, quý hiếm phải báo ngay cho ngành chức năng để cứu hộ. Bà con không được nuôi giữ, bởi các loại động vật rừng rất dễ bị tổn thương nếu không hiểu được đặc tính của chúng. Các hành vi săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, mua bán động vật rừng hoang dã, quý hiếm trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự”.
Đặc biệt, điểm đáng ghi nhận là chuyển biến trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi về vấn đề bảo vệ động vật rừng hoang dã, quý hiếm. Ông Giang Đình Chéo, Trưởng thôn M2, xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh), bộc bạch: “Tại các cuộc họp, Ban nhân dân thôn phối hợp ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, bảo vệ động vật rừng hoang dã, quý hiếm. Từ khi được tuyên truyền, bà con ở đây không còn săn bắt động vật rừng nữa, cùng chung tay giữ rừng”.
Khi tiếp nhận các cá thể động vật rừng hoang dã, quý hiếm do người dân giao nộp, Chi cục Kiểm lâm tích cực phối hợp với Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), Công viên động vật hoang dã FLC (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) và ngành chức năng thực hiện các thủ tục bàn giao, cứu hộ, chăm sóc, thả trở lại môi trường tự nhiên.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Đức Sáu cho biết: Công tác bảo vệ động vật rừng hoang dã, quý hiếm được triển khai đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Thời gian tới, Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động gây nuôi, vận chuyển, kinh doanh, chế biến động vật hoang dã và xử lý nghiêm các vi phạm.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN