KỶ NIỆM 66 NĂM CHIẾN THẮNG ÐIỆN BIÊN PHỦ (7.5.1954 - 7.5.2020)
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Một trong những nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất dẫn đến thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là đường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng ta. Ðường lối này có nội dung cốt lõi là: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập đến khía cạnh trường kỳ của nội dung cốt lõi nói trên.
1. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đường lối kháng chiến của Đảng được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch (19.12.1946), Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Thường vụ Trung ương Đảng (12.12.1946) và đồng chí Trường Chinh (Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) giải thích rõ hơn trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (tháng 9.1947).
Bộ Tổng tư lệnh họp bàn kế hoạch, phương án tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ, đầu năm 1954. ẢNH tư liệu
Đường lối kháng chiến của Đảng được hoạch định trên cơ sở kế thừa truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và xuất phát từ thực tiễn tình hình đất nước - trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, khi bước vào cuộc chiến.
2. Sở dĩ Đảng và Bác Hồ quyết định phải “Trường kỳ kháng chiến” - kháng chiến lâu dài, vì những lý do chủ yếu sau đây:
Một là, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và Pháp trong những ngày đầu cuộc chiến quá chênh lệch. Nhiều người đã dùng hình ảnh châu chấu đá voi hay châu chấu đá xe để so sánh.
Trên thực tế lúc này quân Pháp rất mạnh, gấp nhiều lần chúng ta, với đầy đủ các quân binh chủng (hải, lục, không quân, tăng thiết giáp, pháo binh...). Đội quân này được trang bị đầy đủ vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ, chỉ trừ bom nguyên tử. Và đây là đội quân chính quy, được đào tạo rất bài bản. Địa bàn Việt Nam lại quá quen thuộc với quân Pháp sau hơn 80 năm có mặt trên đất nước ta...
Còn về phía chúng ta, khi bước vào cuộc chiến chúng ta chỉ có bộ binh, lại chưa được huấn luyện bài bản. Vũ khí thì thiếu thốn. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa từ Pháp về mới bắt tay vào nghiên cứu chế tạo, nhưng cũng trong điều kiện thiếu thốn trăm bề....
Trước so sánh tương quan lực lượng như vậy, nếu chúng ta đưa quân chủ lực ra đương đầu với quân Pháp thì chỉ một trận là “hết vốn”. Vì thế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh mới sáng suốt chọn phương châm phù hợp là: Trường kỳ kháng chiến - đánh lâu dài.
Đảng và Bác xác định: Đánh lâu dài nhằm vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, chuyển yếu thành mạnh, chuyển thiếu thành đủ. Đồng thời, cũng nhấn mạnh, lâu dài song không có nghĩa là không có thời hạn, đến một lúc nào đó, khi so sánh tương quan lực lượng chênh lệch, theo hướng có lợi cho chúng ta và thời cơ đến, sẽ tiến hành tổng phản công, giành thắng lợi quyết định.
Hai là, trường kỳ kháng chiến - đánh lâu dài, là nhằm đối chọi và làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp. Trong những ngày đầu tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, âm mưu của Pháp là đánh nhanh, thắng nhanh. Đánh nhanh, thắng nhanh sẽ phát huy được ưu thế quân sự áp đảo của Pháp; giúp Pháp nhanh chóng đạt mục đích quay trở lại tái chiếm Việt Nam và Đông Dương. Đồng thời, khắc phục được điểm yếu lớn nhất của quân Pháp là hậu cần.
Không để cho quân Pháp áp đặt lối chơi, phát huy thế mạnh, đồng thời, nhằm vào “gót chân Achilles” của kẻ thù, chúng ta đã chọn cách đánh du kích, lâu dài. Đây cũng là cách đánh “Lấy đoản binh chế trường trận” đã được Đảng ta vận dụng trong thời đại mới.
3. Với đường lối kháng chiến đúng đắn nói chung, phương châm trường kỳ kháng chiến nói riêng, đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Trong cuộc kháng chiến này, căn cứ vào tình hình thực tế, với phương châm vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, chúng ta đã chủ động phòng ngự (1946 - 1947), rồi tiến lên cầm cự (1948 - 1950) và chuyển sang phản công (1950 - 1954) mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.
4. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài học hoạch định đường lối đúng đắn nói chung, xác định đúng phương châm trường kỳ kháng chiến, trong kháng chiến chống Pháp nói riêng, vẫn còn nguyên giá trị.
Tiếp tục vận dụng sáng tạo bài học này giúp cho chúng ta có phương pháp đúng trong hoạch định đường lối nói chung, đường lối quốc phòng nói riêng. Phải luôn xuất phát từ thực tiễn đất nước, đánh giá so sánh đúng tương quan lực lượng để lựa chọn cách ứng xử, đối phó phù hợp.
Mặt khác, bài học này cho chúng ta thêm vững tin vào tiền đồ tươi sáng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Con đường phía trước dù lắm chông gai, song nhất định chúng ta sẽ luôn gặt hái được những thành tựu rực rỡ trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
LÊ VĂN MINH (Trường Chính trị tỉnh)