Cục súc hay cục xúc ?
Trước hết, đây là từ Việt gốc Hán. Cục nghĩa là “chật hẹp, co quắp, không thể duỗi thẳng được”; Xúc nghĩa là “gấp, vội”. Trong tiếng Hán, cục xúc nghĩa là “chật hẹp, nhỏ nhen”. Đây là nghĩa gốc làm cơ sở để phát sinh nét nghĩa “thô tục, lỗ mãng” của từ sau này. Như vậy, có thể tin rằng từ đúng phải là cục xúc. Thực tế có một số từ điển ghi nhận từ này. Chẳng hạn, Đại Nam quấc âm tự vị của tác giả Huình Tịnh Paulus Của, ghi nhận cục xúc với nghĩa “thô tục, ngang ngửa, lỗ mãng, không biết toan tính”.
Vậy còn cục súc? Theo nhiều người, đây là biến âm của cục xúc do lẫn lộn s-/x- mà thành. Về sau được sử dụng rộng rãi, dần trở nên phổ biến và giành luôn vị trí từ đúng của cục xúc.
Cũng có ý kiến cho rằng có cách gọi cục súc là bởi yếu tố súc gợi liên tưởng về từ súc vật. Thực tế, hầu hết các cuốn từ điển tiếng Việt hiện nay đều ghi nhận từ cục súc mà không hề nhắc đến cục xúc.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cục súc ra đời không phải bằng con đường như trên. Nó vốn là người anh em sinh đôi của cục xúc. Chữ xúc còn có âm khác là thúc (với nghĩa “giục”, như trong thôi thúc, thúc bách, thúc giục). Về nghĩa, thúc rõ ràng liên quan đến nét nghĩa “vội vàng, nóng nảy” của cục xúc/súc. Về âm, quan hệ giữa th- và s- là mối quan hệ gần gũi, có thể chuyển hóa với nhau như trong nhiều trường hợp: sơ ~ thưa [thớt], sư ~ thầy… Có thể nói, cục súc và cục xúc chỉ là một từ, bắt nguồn từ hai chữ cục xúc trong tiếng Hán mà thôi.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ