Tiến tới xóa “xe dù, bến cóc”
Kể từ ngày 1.4.2020, Nghị định số 10/2020/NÐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã có hiệu lực, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải, khắc phục được những điểm bất cập của Nghị định 86/2014/NÐ-CP. PV Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT, xung quanh vấn đề này.
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP là cơ sở để tăng hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và tiến tới xóa bỏ “xe dù, bến cóc”, ông có thể cho biết rõ hơn?
- Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Sở GTVT đã triển khai nghiêm túc và có hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xử lý vi phạm “xe dù, bến cóc”. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 42 trường hợp phương tiện chạy không đúng luồng tuyến, đón trả khách không đúng quy định; lập biên bản xử phạt hành chính 525 triệu đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hoạt động vận tải, do các đơn vị, DN, HTX kinh doanh dịch vụ vận tải chưa quản lý chặt chẽ phương tiện. Mặt khác, một số phương tiện cố tình dừng, đỗ đưa rước khách không đúng nơi quy định, không có hợp đồng… để trục lợi. Đặc biệt là ở các khu vực “điểm nóng” như: xung quanh Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), cầu Bà Di (đoạn dưới chân cầu vượt QL 19 thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), công viên trước trụ sở UBND huyện Phù Mỹ (thị trấn Phù Mỹ), ngã ba cầu Dợi (xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn)…
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết việc xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình”. Điều này là thay đổi cơ bản so với trước đây. Vì quy định về kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng trước đây rất đơn giản, lỏng lẻo về điều kiện kinh doanh vận tải.
Cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Đơn cử như, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định xe hợp đồng phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe… Đồng thời, trước ngày 1.7.2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình tham gia giao thông.
Lực lượng TTGT xử lý một phương tiện đón trả khách không đúng quy định tại TP Quy Nhơn.
Ngoài ra, từ ngày 1.1.2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT. Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp. Từ các dữ liệu này, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của lái xe và DN kinh doanh vận tải; không để tồn tại nạn “xe dù, bến cóc”.
Được biết, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP cũng có nhiều quy định thay đổi với loại hình kinh doanh xe công nghệ và taxi truyền thống?
- Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải buộc phải lựa chọn là DN cung cấp phần mềm hoặc kinh doanh vận tải. Đây là quy định rất mở để các đơn vị tự xác định và phân định rõ hoạt động của đơn vị mình mà lựa chọn hình thức kinh doanh cho phù hợp.
Cụ thể, điều 35 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải thành hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan. Trường hợp thứ hai là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) nhằm mục đích sinh lợi, phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.
Đối với taxi, ngoài phù hiệu xe taxi dán cố định trên kính trước thì được quyền lựa chọn giữa việc gắn hộp đèn có chữ taxi cố định trên nóc xe hoặc dán cố định cụm từ “xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe. Xe taxi được lựa chọn sử dụng đồng hồ tính tiền như hiện nay hoặc phần mềm tính tiền như xe hợp đồng điện tử.
Xin cảm ơn ông!
XUÂN NHÂM (Thực hiện)