Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2020):
Mốc son chói lọi và sức mạnh toàn dân
Cách nay 66 năm, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đó là trận quyết chiến chiến lược vĩ đại, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó sức mạnh của toàn dân là yếu tố đặc biệt quan trọng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 7.5.1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh tư liệu
1. Phát huy truyền thống đoàn kết và sức mạnh toàn dân, trong những năm đầu giai đoạn 1946 -1954 chống thực dân Pháp, chúng ta đã từng bước làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Đến chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh toàn dân đã được huy động ở mức cao nhất.
Ngày 20.11.1953, địch mở cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 3.12.1953, H.Nava chỉ thị cho cấp dưới chính thức chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược để tiêu diệt chủ lực Việt Minh.
Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị họp khẩn cấp. Sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được".
Thực hiện chỉ thị của Người, trên khắp cả nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dốc sức tổ chức lực lượng, huy động sức người, sức của để giành thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13.3 đến 7.5.1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, quân dân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Đây là chiến dịch diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, việc bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật gặp muôn vàn khó khăn.
Tuy nhiên, với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng", cả hậu phương hùng hậu từ vùng tự do Việt Bắc đến Liên khu 3, Liên khu 4, Liên khu 5, vùng mới giải phóng, khu du kích, căn cứ du kích trên khắp cả nước đã tập trung mọi sức lực, của cải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ công nhân, nông dân, trí thức, học sinh ai ai cũng sẵn lòng đóng góp công sức. Ðâu đâu cũng có phong trào ra quân rầm rộ. Ðồng bào cả nước cùng sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường, phá thác để mở lối cho bộ đội ta đi.
Tính chung, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra thành 14 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. Về bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô...
So sánh những con số này với tình hình đất nước khi đó còn nghèo nàn, lại phải tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ mới thấy hết được ý nghĩa lớn lao. Nhờ tinh thần quyết chiến, quyết thắng ấy mà điều lo lắng và khó khăn nhất tưởng chừng như không thể vượt qua là vấn đề hậu cần chiến dịch đã được giải quyết thành công.
Ngoài ra, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có hàng chục nghìn thanh niên xung phong và nguồn nhân lực to lớn tại chỗ. Nhân dân các dân tộc Tây Bắc hiểu rất rõ giá trị từng hạt gạo, miếng thịt của mình gửi cho chiến dịch. Bởi vì, nếu từ Liên khu 3, Liên khu 4 hay từ Việt Bắc vào phục vụ chiến dịch, dân công đưa lương thực, thực phẩm phải vượt qua một chặng đường rất dài với biết bao khó khăn nguy hiểm, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng. Do đó, tại Lai Châu (nay là hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu) - nơi trực tiếp diễn ra chiến dịch với trận mạc hiểm nguy cộng với những khó khăn thường nhật, đồng bào các dân tộc nơi đây đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương tại chỗ, phục vụ tốt nhất cho bộ đội đánh giặc.
Không chỉ góp của, đồng bào các dân tộc còn góp công, góp người. Trong tổng số 260.000 dân công, có tới gần 87.000 đồng bào các dân tộc.
2. Tuy nhiên, sẽ là không đầy đủ nếu cho rằng sức mạnh toàn dân chỉ thể hiện qua những khâu cung ứng trực tiếp cho chiến dịch. Từ Liên khu 3, Tả ngạn, đến Bình Trị Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ... quân dân ta đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi đến đồng bằng tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian. Đây là những hoạt động phối hợp kịp thời của cả nước có tác động tích cực tới chiến thắng Điện Biên Phủ.
Như vậy, sức mạnh toàn dân là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Sức mạnh đó thật to lớn và tiêu biểu. Nó là kết quả từ sự đoàn kết đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân trên khắp nẻo đường đất nước, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, già trẻ gái trai. Nó là sức mạnh của cả một dân tộc ra trận, bằng sự tham gia trực tiếp trên các tuyến đường mặt trận, bằng cả những hoạt động phối hợp, ủng hộ cho chiến dịch, qua đó làm cho thực dân Pháp phải chấp nhận thất bại.
Thời gian không ngừng trôi, lịch sử dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ được viết tiếp trên hành trình dài vô tận. Nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là sức mạnh toàn dân trong chiến dịch này mãi là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là bài học kinh nghiệm mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với hiện nay.
Phát huy bài học về sức mạnh toàn dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta cần quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong điều kiện mới. Đặc biệt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: "Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Với ý nghĩa đó, chúng ta cần tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng và chính quyền phải vì lợi ích của nhân dân, thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến của nhân dân; tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra.
Kỷ niệm 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một lần nữa chúng ta làm sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng này, đồng thời cần quán triệt và vận dụng sâu sắc bài học về sức mạnh toàn dân được đúc kết từ thực tiễn chiến dịch để qua đó thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
TS LÊ VĂN CỬ (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
Theo HNM