Tạ Văn Sỹ - “nhà thơ xe thồ Phố Núi”
Sinh năm 1955, rời quê theo gia đình lên Tây Nguyên từ khi mới 10 tuổi - năm 1965 - nhưng Tạ Văn Sỹ luôn tự giới thiệu, mình là dân xứ Nẫu Bình Định. Tạ Văn Sỹ làm thơ từ khi còn ở tuổi học trò, tác phẩm được đăng trên nhiều báo, tạp chí ở miền Nam. Nhưng đời anh lại không êm đềm như thơ anh viết mà ngược lại, nhiều phen lận đận. Một người bạn, vì thương Tạ Văn Sỹ vất vả đã tặng anh chiếc xe máy cũ để hành nghề chạy xe thồ. Từ đó, Tạ Văn Sỹ được bạn bè gọi là “nhà thơ xe thồ Phố Núi”.
Tạ Văn sỹ từng tự họa chân dung mình: “Rằng xưa có gã làm thơ/ Trời sinh nhầm phải ngày giờ không thiêng/ Nên đời gã lắm truân chuyên/ Bước danh thì trượt bước duyên thì trầy…”.
Thơ Tạ Văn Sỹ đậm chất “xứ Nẫu”, với những câu gân guốc, thô ráp, nhưng không kém phần sâu lắng: “Rượu bao nhiêu độ đều chê nhạt/ Đòi quán đi tìm thứ mạnh hơn/ Đốt cháy ruột gan ngồi với bạn/ Say rượu, say người, say Quy Nhơn”… hay “Nay mai ta lại về với núi/ Đứng làm tượng đá ở sườn non/ Ngóng về phía biển xa vời vợi/ Nhớ rượu, nhớ người, nhớ Quy Nhơn” (Say ở Quy Nhơn).
Có thể nói quê nhà cứ bàng bạc, cứ đắm đuối trong thơ anh. “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Câu ca như trách, như hờn chi đây/ Bởi xa xôi quá hỡi ai/ Biển Đông sâu cách non Tây mấy vời/ Thương người cũng muốn về xuôi/ Đợi người lên ngược có đôi cùng về/ Chỉ e người ngại nhiêu khê/ E người nhạt nghĩa phai thề không lên”…. Và “Đành thôi, cứ trách, cứ hờn/ Đành thôi, mưa nắng cứ còn đôi nơi/ Ai về nhắn với nậu xuôi/ Câu thơ gửi xuống, biết người có lên?” (Ở Kon Tum nghe ca dao Bình Định)…
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ sinh năm 1955 tại thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Ðịnh). Giải thưởng: Giải B cuộc thi thơ Tứ tuyệt của Tập san Áo trắng (1991), giải C cuộc thi thơ Lục bát của báo Văn nghệ trẻ (2002), giải C về thơ của UBND tỉnh Kon Tum (2002)…
Đáng lưu ý, tuy cuộc đời phải trải qua nhiều năm tháng cơ cực, với bao lo toan song tình yêu thơ văn của Tạ Văn Sỹ lúc nào cũng tràn đầy. Theo đó, chỉ tính trong khoảng 20 năm trở lại đây, Tạ Văn Sỹ đã cho xuất bản hàng chục tập sách, trong đó có 5 tập thơ: Những câu thơ mặt đất (1997), Cõi người (2003), Trời xa (2006), Tùy khúc (2010), Ở núi (2013); các tập tạp bút, khảo cứu: 100 năm thơ Kon Tum (2013), Hình ảnh đồng bào thiểu số trong thơ ca kháng chiến Kon Tum (2014), Di sản văn học từ Ngục Kon Tum (2017), Miền quê núi, tập 1 (2018), Dân tộc thiểu số trong thơ ca Kon Tum (2019)…
Không đếm nên không cảm nhận đầy đủ, có lẽ vì vậy nên ngay cả bạn bè của Tạ Văn Sỹ khi liệt kê xong ai cũng giật mình về sức làm việc của “nhà thơ xe thồ Phố Núi”. Với nỗ lực bền bĩ và tinh thần làm việc nghiêm túc của mình, Tạ Văn Sỹ đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Kon Tum (Hội VHNT Kon Tum).
VIẾT HIỀN