Khu vực bảo vệ di tích Thành Hoàng Ðế: Sẽ cắm mốc khu vực điều chỉnh khoanh vùng
Khu vực bảo vệ di tích Thành Hoàng Ðế (TX An Nhơn) được điều chỉnh giảm đến 3/4 tổng diện tích khoanh vùng so với trước đây. Hiện cơ quan chức năng đang khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng cắm mốc khu vực khoanh vùng bảo vệ. Từ nhiều năm qua, người dân ở địa phương có di tích đã mong đợi điều này.
Thành Hoàng Đế được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1982. Theo khoanh vùng bảo vệ di tích có từ năm 1997, tổng diện tích khu vực bảo vệ lên đến 3,3 km2. Thực tế cho thấy, từ khi quyết định khoanh vùng có hiệu lực đã nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến nhu cầu xây dựng nhà ở, đất sản xuất, các quyền sử dụng đất của người dân.
Khu vực bảo vệ Thành Nội có tổng diện tích hơn 243,951 nghìn m2.
Ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH-TT TX An Nhơn, cho biết: “Xuất phát từ kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, khoanh vùng khu vực bảo vệ theo hướng đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích phù hợp hơn với thực tế phát triển KT-XH, đảm bảo hài hòa với lợi ích của người dân”.
Cuối tháng 7.2018, Bộ VH-TT&DL đã thống nhất đề nghị của UBND tỉnh về việc điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích Thành Hoàng Đế ở xã Nhơn Hậu, phường Đập Đá, phường Nhơn Thành (TX An Nhơn), theo hướng mở rộng khu vực bảo vệ 1 và thu hẹp khu vực bảo vệ 2. Cụ thể, tổng diện tích khoanh vùng sau khi điều chỉnh là hơn 818,8 nghìn m2, trong đó khu vực bảo vệ 1 có diện tích hơn 399,073 nghìn m2, khu vực bảo vệ 2 có diện tích hơn 419,742 nghìn m2.
Ngày 20.4.2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến giao Sở VH&TT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tổ chức khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng cắm mốc tại 8 điểm di tích cần khoanh vùng theo điều chỉnh khoanh vùng được Bộ VH-TT&DL thống nhất. Trong đó, chiếm phần lớn diện tích khu vực bảo vệ là 2 điểm di tích Bờ Thành Ngoại và Thành Nội. Hiện Bờ Thành Ngoại còn những điểm chưa có điều kiện để khai quật nghiên cứu, còn trong Thành Nội đã tiến hành một số cuộc khai quật (tập trung ở khu vực Tử Cấm Thành) với nhiều phát hiện về dấu tích kiến trúc, nhưng vẫn cần tiếp tục có thêm các cuộc khai quật để làm rõ hơn về di tích.
Khu vực bảo vệ tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu) là 44.011 m2.
Trong 6 điểm di tích còn lại, chỉ có tháp Cánh Tiên (tổng diện tích hai khu vực bảo vệ là 44.011 m2) đã được trùng tu, tôn tạo đưa vào khai thác phục vụ du lịch nhiều năm qua. Đàn Nam Giao (tổng diện tích hai khu vực bảo vệ gần 61.293 m2) đã khai quật lần đầu tiên từ năm 2007, đang mở rộng đường vào, thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục khai quật lần thứ hai nhằm có thêm cơ sở triển khai trùng tu, tôn tạo di tích. Tháp Mẫm (tổng diện tích hai khu vực bảo vệ hơn 3.887 m2) đã được khai quật năm 2011. Ba điểm di tích Bàu Bể (tổng diện tích hai khu vực bảo vệ hơn 70.038 m2), Bàu Vệ (tổng diện tích hai khu vực bảo vệ hơn 5.378 m2), Bãi Tập Trận (tổng diện tích hai khu vực bảo vệ hơn 9.661 m2) chưa được khai quật, tuy nhiên xung quanh di tích đã có nhiều nhà dân, cơ sở sản xuất, trồng trọt...
Thông tin ban đầu về điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích Thành Hoàng Đế đã tạo sự phấn khởi cho người dân ở địa phương có di tích. Cụ Thái Hà Thanh (90 tuổi), người dân ở thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, chia sẻ: “Từng có thời gian làm công tác văn hóa - thông tin ở xã sau giải phóng, tôi hiểu rõ về những giá trị của di tích Thành Hoàng Đế. Tuy nhiên, khu vực bảo vệ di tích như trước đây trải trên một vùng rộng bao la nhưng lại rất chung chung. Do vậy, nhiều hộ dân đã có sẵn nhà trong vùng bảo vệ của di tích bị mắc kẹt khi muốn xây cất, sửa chữa. Việc tỉnh quan tâm điều chỉnh khu vực bảo vệ như vậy vừa đảm bảo thực hiện được việc bảo vệ và phát huy di tích, vừa phù hợp với thực tế địa phương hiện nay. Chúng tôi mong muốn việc cắm mốc sớm được tiến hành, sau đó tiếp tục cho diện tích đất còn lại trong khu vực bảo vệ trước đây được sử dụng theo quy định của pháp luật, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân”.
HOÀI THU