Dự án về nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng:
“Cơ hội vàng” cho thư viện huyện, xã
Bình Định là 1 trong 40 tỉnh, thành trong cả nước được chọn triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam”. Đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thư viện huyện, xã vốn còn nhiều lạc hậu, yếu kém.
Dự án này hứa hẹn mang đến một bộ mặt mới theo hướng hiện đại cho hệ thống thư viện huyện, xã trong tỉnh.
- Trong ảnh: Thư viện huyện Vân Canh hoạt động hoàn toàn thủ công.
Được thực hiện trong giai đoạn 2011-2016, Dự án triển khai song song 2 chương trình phát triển hạ tầng và đào tạo. Cụ thể, sẽ lắp đặt 12.070 máy tính nối mạng internet và các thiết bị phụ trợ cho 400 điểm thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, 500 thư viện xã và 1.000 điểm bưu điện văn hóa xã tại 40 tỉnh, thành. Người dân được miễn phí hoàn toàn khi sử dụng internet tại các điểm thư viện công cộng và một nửa giá cước truy nhập internet tại các điểm bưu điện văn hóa xã. Bên cạnh đó, Dự án cũng tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính, internet cho 2.500 cán bộ thư viện, bưu điện.
Cuối tháng 1.2013, Đoàn khảo sát của Dự án đã khảo sát thực tế tại 4 xã Nhơn Hưng, Nhơn Khánh (An Nhơn) và Tây Bình, Bình Hòa (Tây Sơn), đồng thời làm việc với các đơn vị liên quan. Kết quả khảo sát cho thấy, hệ thống thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã trong tỉnh cơ bản đáp ứng các tiêu chí để triển khai Dự án.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á được triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam”. Tổng kinh phí của Dự án trên 50,5 triệu USD, do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation - một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ - tài trợ. Trong đó, nguồn tài trợ không hoàn lại của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation là gần 30 triệu USD, đóng góp bằng phần mềm của Microsoft trên 3,6 triệu USD và gần 17 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam.
Theo Dự án, Bình Định sẽ có 16 thư viện được hỗ trợ đầu tư. Cụ thể: Thư viện tỉnh được hỗ trợ 25-40 bộ máy tính, 1 máy in và thiết bị phụ trợ; 10 thư viện huyện, thị xã mỗi đơn vị được hỗ trợ 10 bộ máy tính, 1 máy in và thiết bị phụ trợ; 5 thư viện xã: Tây An, Tây Bình (Tây Sơn), Nhơn Phúc, Nhơn Hưng (An Nhơn) và Thư viện cụm văn hóa thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn) mỗi thư viện được 5 bộ máy tính, 1 máy in và thiết bị phụ trợ. Bà Lê Thị Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Đây là cơ hội lớn để hệ thống thư viện huyện và xã trang bị, cải thiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động”.
Theo anh Trần Xuân Nhất, cán bộ phụ trách mảng thư viện huyện, xã của Thư viện tỉnh, lâu nay việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các thư viện huyện, xã gần như là con số 0. Bởi trong 10 thư viện huyện chỉ có 4 thư viện (Tây Sơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân) được trang bị máy tính nối mạng, song cũng chỉ phục vụ cho công tác tra cứu tài liệu, quản lý thư viện của cán bộ thư viện. Còn việc trang bị máy tính cho thư viện xã là… chuyện trong mơ!
Chị Bùi Thị Ánh Tuyết, cán bộ Thư viện thị xã An Nhơn, bày tỏ: “Hiện tại, thư viện mới chỉ được trang bị 1 máy tính dùng cho cán bộ. Theo Dự án, thư viện thị xã được đầu tư thêm 10 máy, được như vậy, thư viện sẽ thu hút được nhiều bạn đọc và phục vụ tốt hơn”.
Tuy nhiên, để các thư viện tận dụng được cơ hội này rất cần sự chung tay vào cuộc của các địa phương. Theo bà Huệ, lãnh đạo các huyện, xã cần quan tâm giải quyết chế độ cho người phụ trách thư viện, đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu cho các thư viện. Việc xốc lại hoạt động thư viện cũng là cách đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí và tạo niềm tin, tiền đề để dự án sớm triển khai; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ.
SAO LY