Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế
(BĐ) - Sáng 9.5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị gặp DN với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong toàn quốc và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Cùng chủ trì có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Định.
Dự và chủ trì tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng và một số DN trên địa bàn tỉnh...
Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại hội nghị cho biết, theo kết quả khảo sát gần 130 nghìn DN cho thấy có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Trong đó khu vực DN nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh cao nhất với gần 50% số DN. Gần 30% DN áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% DN cho lao động nghỉ không lương và gần 19% DN giảm lương lao động. Thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 trên toàn quốc cũng bị giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký. Số DN thành lập mới giảm 13,2% so với cùng kỳ, quy mô DN bị thu hẹp, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh...
Trong thời gian qua, song song với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ cùng DN để vượt qua khó khăn, sớm ổn định và khôi phục sản xuất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 4.3.2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại Bình Định, đại dịch Covid-19 làm cho nhiều DN gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, phải tạm hoãn hoặc giãn thời gian giao các đơn hàng đã ký kết, sản lượng hàng tồn kho lớn. Cùng với đó, nhiều DN không tìm kiếm được các đơn hàng mới, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sản phẩm gỗ, may mặc, thủy sản… Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh chỉ tăng 2,76% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 332 triệu USD, bằng 34,2% so với kế hoạch năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ban, ngành đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, khai thác các cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với cộng đồng DN, Thủ tướng mong muốn ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các DN cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính tự lực, tự cường nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc DN. Tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư…
“Các bộ, ngành cần xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho DN, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới, kiến tạo phát triển, để sớm khôi phục, thúc đẩy nền kinh tế phát triển tăng tốc hơn nữa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
NGUYỄN HÂN