“Chỗ dựa” của người mù Hoài Nhơn
Ông Ngô Văn Uẩn (51 tuổi), ở xã Hoài Ðức, huyện Hoài Nhơn là người khiếm thị, vợ bị khuyết tật, con trai không chỉ bị mù mà còn thiểu năng trí tuệ. Ðối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, ông không những vững vàng vượt qua mà từ lâu còn là “chỗ dựa” đáng tin cậy của người mù trong huyện.
Ông Uẩn sinh ra và lớn lên ở Huế, khỏe mạnh bình thường, cho đến lúc 15 tuổi, đôi mắt ông bỗng mờ dần, mặc dù gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không có tiến triển. Ông nhớ, mình từng buồn tủi và tuyệt vọng đến cùng cực, rồi cũng đành phải chấp nhận sự thật. Với nỗ lực, qua một thời gian, ông không những tự phục vụ bản thân mà còn giúp mẹ làm việc nhà và tự học đàn, tập hát theo đài. Năm 30 tuổi, ông lập gia đình và chuyển về xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) sinh sống. Ông chia sẻ, gia đình hiện tại còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng rất hạnh phúc. Nhiều người mù ở Hoài Nhơn tôn trọng và quý mến ông bởi ngoài bản thân, gia đình, ông còn quan tâm, chia sẻ với những người nghèo, đặc biệt là người cùng cảnh ngộ với mình. Ông thường nói với mọi người rằng: “Tôi là người mù trong thế giới người sáng nhưng lại là người sáng trong thế giới người mù, vì còn nhìn thấy được một chút so với những người vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy ánh sáng nên thấy mình may mắn, cần phải giúp đỡ những người bất hạnh hơn”.
Ông Ngô Văn Uẩn (thứ hai, từ phải qua) được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Người mù tỉnh nhiệm kỳ III (2019 - 2024).
Năm 2015, ông Uẩn tham gia Hội Người mù huyện Hoài Nhơn và trở thành “cầu nối đắc lực” giữa người mù trong huyện với Huyện hội và Tỉnh hội. Nhiều năm tiếp xúc với nhiều người mù trong huyện, ông Uẩn nhận ra vẫn còn không ít người thiếu tự tin, mặc cảm, ít muốn giao lưu với cộng đồng. Đặc biệt, đa số không rành về công nghệ nên ngay cả điện thoại cũng rất ít khi dùng. Vậy là, ông tự nguyện hướng dẫn họ cách sử dụng điện thoại, rồi lưu số điện thoại của tất cả người mù quen biết vào máy, vào cuốn sổ riêng. Từ đó, mỗi khi biết có chương trình, hoạt động về lớp học, việc làm, khoản hỗ trợ phù hợp với đối tượng nào, ông chủ động liên lạc, trao đổi thông tin với họ, tổ chức đón, đưa họ đến tham gia. Dần dà, ông trở thành “chỗ dựa” của nhiều người mù Hoài Nhơn khi cần tư vấn, giúp đỡ gì, người đầu tiên họ nghĩ đến là ông Uẩn. Bà Nguyễn Thị Chính, 71 tuổi, ở thôn Vĩnh Phụng 2, xã Hoài Xuân cho biết: “Nhờ ông Uẩn làm cầu nối mà tôi thường được nhà hảo tâm thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ. Điều đó giúp tôi cảm thấy ấm áp, bản thân nỗ lực sống tốt hơn, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng”.
Vai trò “cầu nối” của ông Uẩn đặc biệt phát huy hiệu quả khi dù Hội Người mù huyện Hoài Nhơn cho đến nay vẫn chưa thể tổ chức đại hội lần thứ II sau khi kết thúc nhiệm kỳ I vào năm 2017, nhưng gần 300 người mù toàn huyện vẫn thường xuyên tiếp cận được các hoạt động, chương trình do Hội Người mù tỉnh triển khai, phổ biến; ngoài ra còn nhận được những khoản hỗ trợ kịp thời để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, đánh giá rất cao tinh thần, nghị lực của bản thân và tâm huyết giúp đỡ người đồng cảnh ngộ của ông Ngô Văn Uẩn. Ông Thanh cho biết: “Hội Người mù tỉnh đã tặng ông Uẩn giấy khen vì đã có công trong xây dựng và phát triển Hội nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập. Ông Uẩn hiện là ủy viên Ban chấp hành Hội Người mù tỉnh nhiệm kỳ III (2019 - 2024). Mới đây, Tỉnh hội đã cử ông tham gia học lớp Quản lý cán bộ do Trung ương Hội tổ chức”.
Hiện giờ, ông Uẩn rất mong muốn các cấp, ngành, chính quyền huyện Hoài Nhơn quan tâm tạo điều kiện cho Hội Người mù huyện Hoài Nhơn được tổ chức đại hội nhiệm kỳ II, giúp người mù toàn huyện có điều kiện tốt hơn để chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống.
NGỌC TÚ