Ớt & canh lá ớt
● Tản văn của TRẦN BĂNG KHUÊ
Mùa nóng. Người kén ăn, đưa gì lên miệng cũng nhăn mặt nhăn mũi, đôi khi lơ là luôn chuyện ăn uống. Mấy hôm miền nắng gió này hanh hao chuyển mùa, bức bối vì thời tiết. Mỗi ngày chợ búa, mẹ lại ca cẩm không biết nấu gì, ăn gì cho hợp vị, vừa miệng vui lòng mát dạ. Mẹ thì chỉ thích lội ra vườn hái rau tạp tàng. Bên trái rau sam, rau dền, bên phải rau lang, ngót nhật, thỉnh thoảng có chêm xen ít cọng bầu bí hoặc vài cây ớt trái nhỏ. Ấy vậy, món khoái khẩu của mẹ vẫn là ngọn đu đủ đắng, và lá mỳ (một vài nơi gọi lá sắn) nấu chung với ớt quả, thêm gia vị. Khâu chế biến món này hẳn ít người biết đến, có lẽ chỉ người miền núi mới rành rẽ kết hợp kiểu gì cho ra hương vị riêng.
Trong nhà có cô con gái kén ăn, khó chiều như ba, mẹ không vào bếp thì thôi, vào bếp đôi khi phải nghĩ xem làm cách nào kích thích vị giác của nó. Nhiều bận mẹ không để phần cho con gái vào bếp, vì thương con từ xa mới về, vì mẹ nhìn thấy con gái ốm yếu gầy gò quá. Và vì một lý do khác mà con gái biết, đó là chỉ có mẹ nấu mới hợp khẩu vị ba, kiểu vậy.
Một bữa thấy trong bếp còn tô canh nhỏ xanh rì, chêm xen ít thịt bằm nhuyễn trắng. Con gái mang chén vớt sạch lá, chừa hết thịt lại. Nhấm nháp ngon lành như thỏ ăn cỏ, vừa ăn vừa nói vọng lên, “mẹ nấu canh lá ớt hả mẹ?”. Biết rồi vẫn hỏi. Nhớ ra có lần nào đó, cô bạn nhỏ tuổi hơn ngày xưa, chạy từ xa lên ghé nhà cho một nắm rau lá ớt mẹ bạn hái trong vườn. Ăn rồi vẫn thấy tê tê nơi đầu lưỡi, vẫn thèm canh lá ớt. Bởi cũng chỉ lần duy nhất đó thôi, câu chuyện ấy đã trở thành một cánh hoa vỡ mất rồi.
Tranh của họa sĩ ĐỖ DUY TUẤN
Sau hai năm, phiêu bạt xứ người, ăn bánh mì, bơ, sữa, khẩu vị đôi khi có khác đi, nhưng vẫn nhớ mùi vị của rừng núi, của món rau tạp tàng mẹ hái trong vườn, cùng tô canh lá ớt thơm thơm the mát. Hôm đó mẹ nấu không nhiều, chỉ một nắm lá ớt nhỏ nên con gái vẫn còn thèm thuồng, hỏi nhỏ, “lá ớt còn không mẹ ơi?”. Mẹ mới nói, “lá ớt đâu có thiếu”, chỉ là mảnh vườn trước nhà không đủ mênh mông rộng rãi như ngày xưa để mẹ trồng thêm được nhiều cây ớt, vì thế lá ớt cũng ít ỏi.
Ba thì ăn ớt như chim chào mào. Ớt trên cây nhiều bận ăn không đủ phải mua thêm ngoài chợ, để phục vụ việc chế biến món ăn cho một gia đình nửa gốc Huế, nửa gốc miền núi. Món nào cũng cần đến ớt. Già trẻ lớn bé gì cũng biết ăn ớt, cũng thích có vị ớt trong từng món ăn. Ớt trong vườn cũng vì thế mà đa dạng chủng loại, mà món ăn dùng nguyên liệu là ớt cũng rất phong phú.
Hôm nay, mẹ lại nấu canh lá ớt. Con gái nhìn thấy một nồi canh xanh rì, không có thịt bằm nhuyễn trăng trắng nổi lên bên trong rất thích. Vì có lần con gái nói “mẹ chỉ cần nấu tô canh suông thôi, mà không nhạt”, đó mới là nghệ thuật làm bếp. Con gái kén ăn, mấy hôm trời oi lại càng không muốn xới chén cơm nào, nên nhìn thấy rau xanh, lá ớt đầy nồi thì sướng lắm. Con gái cứ thế múc đầy chén tham, ăn hết chén thứ nhất vẫn muốn lấy vá vớt lá ớt đầy chén thứ hai. Trong đầu nghĩ nghĩ, khả năng chịu đựng đắng cay của mình đã giảm hẳn từ khi lấy chồng xứ Bắc, phải vào bếp nấu theo khẩu vị khác, “giờ đang ăn canh lá ớt non mà cắn trúng một quả ớt già chắc chạy không kịp quá”. Vậy chứ trúng thiệt, chén canh lá ớt thứ hai vét gần hết mới thấy lưỡi tê rần, cay xè bởi mấy hạt ớt.
Ăn mỗi chén canh lá ớt thôi mà cũng nhiều chuyện. Nghe gió mùa về thổi trên mái tôn. Nghĩ đến chén canh lá ớt vừa ăn, nghĩ tới vị trái ớt già xanh như lá kia vẫn còn tê tê đầu lưỡi mới thử tìm kiếm thông tin vài tác dụng của lá ớt. Hóa ra, dưới vòm trời trên mặt đất, mỗi loại rau xanh, dù chỉ là lá ớt cũng mang lại nhiều ích lợi cho cơ thể con người.
Con gái không dám mơ gì nhiều, nhớ có lần ở trời Tây, thấy bạn bè, những kẻ xa xứ máu đỏ da vàng như mình, nâng niu vun vén từng chậu cây, chẳng hạn như cây ớt - lá hành - rau răm - rau quế mới biết, những hương vị đó đã trở thành một thứ không thể thiếu trong bữa cơm truyền thống của gia đình người Việt. Quê hương bản quán đâu cần những định nghĩa thâm sâu gì đâu, giản dị như mấy chiếc lá mà đủ khiến con người ta quay quắt nhớ là thế chứ còn là gì nữa.