Vĩnh Thạnh phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt
Huyện Vĩnh Thạnh đã khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt, với những mô hình hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Mô hình nuôi thử nghiệm cá chép giòn của anh Nguyễn Quốc Luật ở xã Vĩnh Hảo.
25 năm trước, một số hộ dân ở huyện Vĩnh Thạnh đã tự phát nuôi cá trên sông Côn, mang lại hiệu quả kinh tế nên thu hút thêm nhiều người làm nghề này. Bên cạnh nhiều giống cá nước ngọt truyền thống (trắm, trôi, mè, chép...) thì người dân còn thả nuôi các giống cá đặc sản (điêu hồng, thác lác cườm, lăng nha…) giúp tăng hiệu quả kinh tế. Riêng nghề nuôi cá lồng trên hồ Định Bình (xã Vĩnh Hảo) hình thành cách đây hơn 10 năm, đến nay đã phát triển và góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện có 46,6 ha diện tích ao nuôi cá, 78 ha nuôi cá quảng canh trong các hồ chứa. Riêng nghề nuôi cá lồng trên hồ Định Bình hiện có 29 hộ dân ở thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh… nuôi, với số lượng 350 lồng, sản lượng khai thác trung bình hơn 450 tấn/năm.
Ông Huỳnh Tấn Dương, ở thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo, nuôi cá lồng trên hồ Định Bình, thổ lộ: “Trước đây làm nông vất vả, thu nhập lại thấp, nên tôi chuyển sang nuôi cá trong hồ hơn 5 năm nay. Tôi thả nuôi 1 lồng với 8 ô nuôi gần 2.000 con cá điêu hồng, cá trê, theo hình thức gối đầu, cứ 5 - 6 tháng sẽ thu hoạch một lần. Mỗi năm tôi xuất bán 2 vụ, thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm, cuộc sống đỡ hơn trước”.
Nguồn: BTV
Tháng 7.2019, anh Nguyễn Quốc Luật, ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, nuôi cá lồng tại hồ Định Bình, được huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ 30 triệu đồng để nuôi thử nghiệm cá chép giòn với số lượng 300 con. “2 tháng đầu tôi cho ăn thực phẩm, khi cá đạt trọng lượng cỡ 1 kg/con thì cho ăn hoàn toàn bằng hạt đậu tằm nhập từ nước ngoài để chất lượng thịt đạt yêu cầu hơn. Sau hơn 9 tháng nuôi thử nghiệm, đến nay, cá không bị hao hụt, trọng lượng mỗi con đạt từ 1,5 - 2 kg và chuẩn bị xuất bán. Cá chép bình thường thì chỉ bán với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, còn cá chép giòn có thể bán giá cao gấp 2 - 3 lần”, anh Luật chia sẻ.
Cuối năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Oanh, ở khu phố Định Thiện, thị trấn Vĩnh Thạnh, đầu tư gần 50 triệu đồng để cải tạo vườn nhà của mình thành ao nuôi cá với diện tích 1.500 m2, thả nuôi cá điêu hồng, trê lai. Ông Oanh cho hay: “Sau khoảng 8 tháng nuôi sẽ thu hoạch theo kiểu thu tỉa, cá lớn mình bán trước. Nuôi cá trong ao rất dễ, ít bị dịch bệnh, quan trọng là phải duy trì mực nước ao hợp lý, cho ăn lượng thức ăn vừa phải để cá sinh trưởng tốt. Năm ngoái, tôi thu hoạch 7 tạ cá trong lứa cá đầu tiên thả nuôi, lãi được 20 triệu đồng”.
Nhằm nâng cao hiệu quả nghề nuôi thủy sản của địa phương, huyện Vĩnh Thạnh sẽ tiếp tục quy hoạch lại các vùng nuôi cá lồng, nuôi cá tại các ao, hồ nhỏ phù hợp. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Đối với nghề nuôi cá trên hồ Định Bình thì khuyến khích người dân phát triển, mở rộng thêm diện tích nuôi phù hợp với thể tích lòng hồ. Đồng thời, huyện sẽ quy hoạch và khuyến khích người dân nuôi cá theo hình thức bán thâm canh, thả nuôi tự nhiên tại các hồ: Tà Niên (xã Vĩnh Thuận), Hà Nhe (xã Vĩnh Hòa), Trà Xom (xã Vĩnh Sơn). Riêng hồ A thủy điện Vĩnh Sơn ở xã Vĩnh Sơn, về lâu dài sẽ quy hoạch phát triển du lịch, nếu được thì ngành Nông nghiệp huyện sẽ tham mưu UBND huyện định hướng quy hoạch thêm cho người dân phát triển nghề nuôi cá tại hồ A để phát triển kinh tế”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN