Thu hồi nợ xấu “tàu 67”: Sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn
Ðể sớm giải quyết dứt điểm tình trạng các chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (còn gọi là “tàu 67”) không trả nợ vay cho ngân hàng đúng cam kết, làm phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, các ngân hàng cho vay đang triển khai kế hoạch phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tiến hành thu hồi nợ.
Bình Định hiện có 61 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67. Đến nay, có 54/61 tàu hoạt động khai thác thủy sản (KTTS); còn lại 4 tàu bị chìm, 3 tàu làm dịch vụ hậu cần nằm bờ. Theo kết quả khảo sát, kiểm tra, đánh giá của Sở NN&PTNT, trong số 54 “tàu 67” đang hoạt động, có 38 tàu có lãi, 11 tàu hòa vốn, 5 tàu thua lỗ, hiệu quả thấp.
Thuyền viên tàu cá vỏ thép của ngư dân Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi.
Gặp khó nhưng vẫn lo nợ
Cuối năm 2016, ngư dân Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) cho hạ thủy tàu cá vỏ thép BĐ 99016-TS, trị giá hơn 16 tỷ đồng, ra khơi KTTS. Nhưng do tàu bị sự cố hư hỏng phải nằm bờ trong thời gian dài, nghề lưới vây ánh sáng hoạt động kém hiệu quả, anh Thãi lâm cảnh nợ nần. Trao đổi về chuyện nợ vay - trả lãi, anh Thãi thổ lộ: “Đến nay, sau khi được công ty đóng tàu đền bù thiệt hại và được ngành chức năng cấp phép cho kiêm thêm nghề phụ mành chụp, tàu tôi ra khơi trở lại. Hiện nay tôi đã trả nợ vay cho ngân hàng được hơn 700 triệu đồng”.
Bên cạnh nhiều chủ tàu cá cố tình lảng tránh nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, vẫn có một số chủ tàu dù bị “mắc kẹt” không thể ra khơi do Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO từ chối bán bảo hiểm tàu cá trong năm 2019, vẫn tìm mọi cách để duy trì hoạt động sản xuất và trả nợ vay đúng cam kết. Ðiển hình là ngư dân Trương Hoài Ðức, ở xã Mỹ Ðức, huyện Phù Mỹ, chủ tàu cá vỏ composite BÐ 99992-TS. Ông Ðức chia sẻ: “Tàu tôi đóng năm 2017, trị giá 14,2 tỷ đồng, trong đó ngân hàng cho vay hơn 13 tỷ đồng. Tháng 7.2019, tàu tôi hết hạn bảo hiểm, nhưng phía PJICO không bán bảo hiểm tàu cá khiến tàu tôi phải nằm bờ hơn 2 tháng. Không thể dừng sản xuất chỉ vì vướng bảo hiểm, tôi liên hệ với Công ty Bảo Việt Bình Ðịnh, tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm tàu cá để tiếp tục bám biển. Ðến nay, tôi đã trả nợ cho ngân hàng được gần 2 tỷ đồng”.
Tương tự, ngư dân Trần Minh Sú, ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99539-TS, trị giá 18 tỷ đồng, chia sẻ: “Tôi vay vốn Nghị định 67 đóng mới tàu cá, làm nghề lưới vây ánh sáng. Nhưng từ cuối năm 2016 đến năm 2017, do lỗi thiết kế, toàn bộ 18 chuyến biển của tôi đều diễn ra hiện tượng lưới bị quấn vào chân vịt, rách liên tục, thua lỗ nặng. Nợ nần chồng chất, tôi phải cho tàu nằm bờ nguyên năm 2018! Hiện, tôi vay mượn họ hàng để đầu tư nghề mành chụp và đang làm thủ tục xin ngành chức năng được kiêm thêm nghề phụ mành chụp để ra khơi KTTS trở lại. Có tiền nhất định tôi sẽ trả nợ vay”.
Một ví dụ khác, tàu cá vỏ thép BĐ 99999-TS, trị giá hơn 17 tỷ đồng, của ngư dân Lê Văn Thiểu, ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) bắt đầu ra khơi năm 2017. Qua 7 chuyến biển, tàu đều bị lỗ tổn, lại còn bị mất giàn lưới trị giá hơn 4 tỷ đồng, anh Thiểu đành cho tàu nằm bờ. Cuối năm 2018, anh vay mượn họ hàng đầu tư dàn lưới rê để hoạt động trở lại, nhưng mới ra khơi vào cuối tháng 3.2019 thì tàu của anh Thiểu bị chìm trong lúc KTTS tại vùng khơi. Anh Thiểu bộc bạch: “Con tàu là tài sản duy nhất để lo cho cuộc sống gia đình, nên từ ngày tàu bị chìm, tôi thành ra trắng tay. Số nợ vay tại ngân hàng vẫn chưa trả được, cộng với số nợ của họ hàng; ngân hàng thì đến hạn lại gửi giấy báo trả nợ. Tôi thật sự đã kiệt sức! Giờ chỉ mong sao phía công ty bảo hiểm tàu cá sớm đền bù bảo hiểm để tôi có tiền trả nợ cho ngân hàng”.
Cần vào cuộc đồng bộ
Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định (Agribank Bình Định), đã giải ngân 163,4 tỷ đồng cho 12 chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67. Tổng dư nợ tính đến hết tháng 3.2019 là hơn 149,8 tỷ đồng.
Ngoài Agribank Bình Ðịnh, còn có một số ngân hàng khác, như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh (Viettinbank Bình Ðịnh), Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài cũng cho ngư dân Bình Ðịnh vay vốn đóng “tàu 67”. Ông Ðặng Kiều Hưng, Giám đốc Viettinbank Bình Ðịnh, cho biết: “Năm 2015, Viettinbank Bình Ðịnh cho 4 chủ tàu ở TP Quy Nhơn vay hơn 30 tỷ đồng đóng “tàu 67”. Cả 4 chủ tàu này đều không thực hiện việc trả nợ đúng cam kết, chuyển sang nợ quá hạn. Năm 2017, chúng tôi đã khởi kiện 1 chủ tàu, đến năm 2019, tòa tuyên án và có quyết định thi hành án buộc chủ tàu này trả nợ vay. 3 trường hợp còn lại, nếu chủ tàu không trả nợ, chúng tôi cũng sẽ xem xét để tiếp tục khởi kiện. Viettinbank Bình Ðịnh là đơn vị đầu tiên trong tỉnh khởi kiện các chủ tàu có nợ vay quá hạn.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho hay: “Cán bộ của chúng tôi đã nhiều lần gặp chủ tàu để làm việc, nhưng mãi đến nay, việc thu hồi nợ luôn gặp khó khăn. Bên cạnh các chủ tàu trả nợ vay đúng hạn thì nhiều chủ tàu viện lý do đánh bắt không hiệu quả nên trả nợ cầm chừng, thậm chí có chủ tàu không trả nợ gốc và lãi. Hiện, Agribank Bình Định đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay cho 6/12 chủ tàu với số tiền gốc hơn 3,5 tỷ đồng, tiền lãi 320 triệu đồng và tiếp tục vận động họ trả nợ vay. Nếu các chủ tàu cố tình chây ì, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn để thu hồi nợ”.
Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: “Chúng tôi luôn phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác thu hồi nợ vay “tàu 67”. Khi ngân hàng cần yêu cầu xác minh thu nhập của các chủ tàu cá trong mỗi chuyến biển để có cơ sở thu hồi nợ, trong phạm vi quản lý của mình, chúng tôi đều hỗ trợ tích cực”.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cả tỉnh hiện có 62 chủ tàu được vay 921 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Tính đến cuối tháng 3.2020, tổng dư nợ cho vay là 865 tỷ đồng; có 48 chủ “tàu 67” nợ quá hạn 266 tỷ đồng (126 tỷ đồng tiền gốc, 140 tỷ đồng tiền lãi).
Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Trà Dương cho biết: “Đơn vị hiện đã lên kế hoạch thu hồi nợ “tàu 67” và gửi các sở, ngành liên quan là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh tham gia góp ý kiến để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt thực hiện. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch này, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN