Làng nghề đổi mới để tồn tại và phát triển
Làng nghề trên địa bàn tỉnh đã gặp phải những khó khăn, do sản phẩm làm ra không còn phù hợp hay theo kịp nhu cầu của khách hàng. Ðể tồn tại và phát triển, đòi hỏi các cơ sở sản xuất ở các làng nghề phải nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường và có những hướng đi mới.
Sản phẩm của làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn).
Về nỗ lực phát triển làng nghề, huyện Hoài Nhơn là điểm sáng, khi có 4/5 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề sản xuất các sản phẩm từ cói ở xã Hoài Châu Bắc, làng nghề sản xuất các sản phẩm từ cói ở xã Tam Quan Bắc, làng nghề thảm xơ dừa và làng nghề sản xuất bún số 8, bánh tráng các loại ở xã Tam Quan Nam. Ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho hay: “Các làng nghề của huyện phát triển ổn định, đầu ra sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường trong cả nước. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, yếu tố then chốt là sự linh hoạt, nhạy bén thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường từ chủ các cơ sở sản xuất ở làng nghề”.
Khi về Quy Nhơn để hướng dẫn các chuyên đề góp phần phát triển du lịch Bình Ðịnh gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làng nghề, GS Simon Milne (Giám đốc Viện Nghiên cứu du lịch New Zealand) gợi ý ngành du lịch Bình Ðịnh nên quảng bá về quà lưu niệm du lịch là sản phẩm các làng nghề của tỉnh trên một website để du khách tìm kiếm thông tin, lựa chọn sản phẩm, như cách mà Chính phủ New Zealand hỗ trợ người dân Maori phát triển sản phẩm làng nghề của họ.
Ở làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), một số hộ làm nghề nón ngựa lâu năm đã biết biến chiếc nón ngựa thành sản phẩm quà lưu niệm du lịch dành cho phân khúc khách hàng có mức chi tiêu cao. Ông Đỗ Văn Lan, nghệ nhân nổi tiếng ở làng nghề nón ngựa Phú Gia, chia sẻ: “Sản phẩm được phân làm 2 loại, nón lá bình thường là 40.000 đồng/chiếc, còn sản phẩm nón ngựa được làm bài bản đúng kiểu truyền thống để làm quà lưu niệm thì giá cao hơn hàng chục lần. Sản phẩm do cơ sở tôi sản xuất đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhờ đó, đã có một số đơn hàng đưa nón ngựa “xuất ngoại” làm quà tặng theo đặt hàng của một số đối tác ở TP Hồ Chí Minh”.
Làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) cũng đã xoay chuyển tìm lối đi mới khi phía đối tác lớn từ thị trường Trung Quốc ngưng đặt hàng cách đây khoảng 3 - 4 năm. Các chủ cơ sở sản xuất ở làng nghề tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, chuyển sang khai thác thị trường nội địa bằng các sản phẩm phù hợp như lục bình trang trí, lịch gỗ, bộ ấm trà gỗ... Việc thay đổi sản phẩm và cả nguyên liệu sản xuất đã giúp cho làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp dần sống tốt. Cùng với đó là chính quyền địa phương hỗ trợ người dân phát triển làng nghề bằng những chính sách phù hợp thực tế.
Làng nghề dệt chiếu cói ở xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn).
Ngoài ra, việc triển khai Đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 sẽ mở ra thêm cơ hội cho các làng nghề ở địa phương. Ngành du lịch Bình Định đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều buổi khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối tour - tuyến về các làng nghề của địa phương. Theo ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, hướng khôi phục và phát triển của làng nghề ở địa phương là gắn với phát triển dịch vụ du lịch. UBND TX An Nhơn chú trọng xây dựng làng nghề đảm bảo tiêu chí môi trường để thu hút du khách, thông qua lập phương án bảo vệ môi trường tại 17 làng nghề, làng nghề truyền thống ở các xã và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Chị Phạm Thị Hiền, chủ một cơ sở chuyên kinh doanh sản phẩm quà lưu niệm du lịch tại TP Quy Nhơn, cho biết du khách nước ngoài có nhu cầu tìm kiếm quà lưu niệm là sản phẩm truyền thống của các làng nghề Bình Định. Hiện cơ sở của chị Hiền xúc tiến đặt hàng theo yêu cầu đối với các chủ cơ sở sản xuất ở các làng nghề, với một số sản phẩm như muỗng, dĩa, khay bằng gỗ; gáo dừa trang trí, nón lá, rổ tre…
THU DỊU - NGỌC NHUẬN