Lâm tặc lộng hành ở xã Bok Tới
Theo phản ánh của người dân thôn T6, xã Bok Tới, gần đây, tại vùng rừng giáp ranh giữa xã Bok Tới (Hoài Ân) với huyện Vĩnh Thạnh, mỗi ngày có hàng chục người vào rừng đốn gỗ; sau đó, dùng xe máy vận chuyển trên đường. Việc này diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt!
Đoạn đường mà lâm tặc vận chuyển hằng ngày chủ yếu theo 2 nhánh từ chân núi Ụ Bò men dọc theo chân đèo thôn T6 (xã Bok Tới) về thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa) và từ chân núi Ụ Bò đi qua trụ sở xã Bok Tới về thôn Nghĩa Nhơn (xã Ân Nghĩa).
Lâm tặc vận chuyển gỗ tại khu vực chân núi Ụ Bò (ảnh chụp chiều 8.12). Ảnh: T.LỢI
Kết quả khảo sát của chúng tôi trong những ngày đầu tháng 12 này cho thấy, những người vận chuyển gỗ chủ yếu là dân của xã Ân Hữu, Ân Nghĩa và một số ít là người dân ở xã Bok Tới. Mỗi ngày có 10-20 lượt xe máy chở gỗ hoạt động trên 2 nhánh đường kể trên. Để dễ dàng vận chuyển, lâm tặc thường cưa, rọc phách gỗ thành khúc có chiều rộng từ 30-50 cm; khu vực bị lâm tặc tàn phá chính là khoảnh rừng tự nhiên còn sót lại nhiều loại cây gỗ quý như taiman, cà đuối, bằng lăng, muồng đen, lim…
Trong các ngày 7 và 8.12, có mặt tại chân núi có tục danh Ụ Bò, chúng tôi quan sát được nhiều lâm tặc đi theo nhóm (5-6 người) chở những phách gỗ có chiều dài 2-3m, phóng bạt mạng trên đường. “Cứ độ 4-6 giờ chiều là không ai dám ra đường vì sợ những khúc gỗ kềnh càng của lâm tặc đụng phải. Lâm tặc lộng hành và ung dung phá rừng, chở gỗ như chốn không người” - anh X. - một người dân ở thôn Nhơn Sơn- đề nghị không nêu danh tính, phản ánh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Líp - Phó Chủ tịch UBND xã Bok Tới, cho hay: Thời gian qua, địa phương đã nhiều lần phối hợp với Hạt Kiểm lâm (KL) huyện Hoài Ân tuần tra, truy quét, xử phạt. Tuy nhiên, vì lực lượng KL đóng trên địa bàn quá mỏng chỉ có 2 cán bộ là KL huyện, 2 cán bộ của địa phương. Trong khi đó, lâm tặc quá đông người, được tổ chức theo nhóm, vận chuyển vào lúc sẩm tối và ban đêm nên việc ngăn chặn, truy quét rất khó. Thậm chí, khi lực lượng công an xã và cán bộ KL huyện truy quét, vây bắt, lâm tặc sẵn sàng dùng dao, rựa, gậy gộc, đá sỏi… chống trả. Để ngăn chặn nạn phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép tại núi Ụ Bò và các khu vực khác trên địa bàn, chính quyền xã đề nghị tăng cường sự phối hợp với lực lượng Hạt KL huyện, công an và quân đội của huyện để kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Chừng 10 năm qua, nạn phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ diễn ra trên địa bàn xã Bok Tới nói riêng và huyện Hoài Ân nói chung khá phức tạp; mức độ lẫn quy mô tàn phá ngày càng rộng lớn, tinh vi và khốc liệt. Và đến nay, như đã nói ở trên, những kẻ phá rừng đã công nhiên thách thức tất cả. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn.
TRỌNG LỢI