CLB, đội, nhóm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS:
Mô hình hay, nhưng không dễ nhân rộng
Để ngăn chặn sự lan tràn của đại dịch AIDS, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều năm qua, các CLB, đội, nhóm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều đóng góp tích cực. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng mô hình này thì cần có sự hỗ trợ về nhiều mặt.
Ưu thế từ sự gần gũi
Tối 7.12, quán cà phê Trầu Không (khối An Ninh, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) sôi động hơn thường lệ. Quán cà phê này được CLB Thanh niên phòng, chống HIV/AIDS thị trấn Ngô Mây chọn là nơi tổ chức sinh hoạt tuyên truyền kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS.
Buổi sinh hoạt được thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh thị trấn, cùng các tổ chức, hội, đoàn thể ở cơ sở. Chương trình bắt đầu lúc 19 giờ 30, nhưng chưa tới 19 giờ, quán đã rộn ràng, sôi động. “Chương trình tổ chức cho những người trẻ, nên càng gần gũi, càng sôi động thì họ càng thích tham gia”, một nhạc công chia sẻ. Gần 200 người tham gia là một con số khá ấn tượng.
Đêm sinh hoạt được mở màn bằng “Nỗi đau xé lòng” - một tiểu phẩm tự biên tự diễn. Dàn “diễn viên” là các học sinh Trường THPT Ngô Mây. Trịnh Thị Xuân Mỵ, học sinh lớp 12A4, vào vai một người mẹ vì quá mải mê kiếm tiền, để cậu con trai duy nhất ham chơi lêu lổng, sa vào tệ nạn xã hội. “Cả đội văn nghệ hơn 10 người, chẳng ai có hoàn cảnh bi đát như gia đình trong tiểu phẩm. Dù vậy, đó vẫn là bài học quý giá cho chúng em, bởi cuộc sống bên ngoài còn rất nhiều cám dỗ đối với những học sinh vừa rời ghế nhà trường”, Mỵ tâm sự.
Không khí đêm sinh hoạt càng sôi động hơn với trò chơi “Ăn sắn truyền tin”. Hai đội tham gia trò chơi, mỗi đội có 3 thành viên. Người đứng đầu hàng được nhận các thông điệp tuyên truyền có nhiệm vụ truyền cho 2 thành viên còn lại, người đứng cuối cùng ghi lên bảng. Việc truyền tin không hề dễ dàng, bởi mỗi người còn có thêm “nhiệm vụ” ăn hết 1 củ sắn to tướng trong 5 phút. Trong phần thưởng dành cho những người tham gia trò chơi vui nhộn này có cả những hộp bao cao su.
Sau đó, những tờ giấy đăng ký tham gia văn nghệ liên tục chuyển lên người dẫn chương trình. Nhiều khách vãng lai cũng nhiệt tình lên sân khấu, và vui vẻ nhận những phần quà có phần “nhạy cảm” của ban tổ chức. Trong khi đó, các thành viên của CLB Thanh niên phòng, chống HIV/AIDS thị trấn Ngô Mây đến từng bàn để phát tài liệu tuyên truyền và bao cao su miễn phí cho người tham gia đêm sinh hoạt.
Còn nhiều khó khăn
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, thời gian qua, các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các CLB như: “Góc tuổi hồng” tại thị xã An Nhơn và xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn); “Gia đình trẻ” tại xã Hoài Thanh, “Tiền hôn nhân” tại xã Tam Quan Bắc, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn); Thanh niên phòng chống HIV/AIDS tại thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát)… Cùng với đó là nhiều đội, nhóm tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. “Hoạt động của các CLB, đội, nhóm này đã góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ khi tiếp cận với các vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh đó, thường xuyên vận động các thanh niên sắp kết hôn kiểm tra sức khỏe, sống lành mạnh hơn; vận động thanh niên bị nhiễm HIV/AIDS áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, cùng tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Huỳnh Thị Anh Thảo cho biết.
CLB Thanh niên phòng, chống HIV/AIDS thị trấn Ngô Mây thành lập và hoạt động từ năm 2006. Hàng năm, kinh phí hoạt động dựa vào sự hỗ trợ của UBND thị trấn Ngô Mây, Trung tâm Y tế huyện Phù Cát và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Trưởng Trạm y tế thị trấn Ngô Mây Tô Thị Thu Nguyệt tâm tư: “Kinh phí không tự chủ được nên hoạt động rất khó khăn. Có năm, CLB tổ chức sinh hoạt 4-5 kỳ, nhưng có năm chỉ 1-2 kỳ. Khó khăn về kinh phí là nguyên nhân chính khiến mô hình không thể nhân rộng”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, năm 2012, Trung tâm hỗ trợ kinh phí để các CLB tổ chức 6 buổi truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, năm 2013 Trung tâm chỉ hỗ trợ kinh phí tổ chức được một buổi truyền thông.
Không chỉ khó khăn về kinh phí, các CLB, đội, nhóm còn đối mặt với nhiều khó khăn khác. Đội ngũ tuyên truyền viên của Đoàn, thành viên ban chủ nhiệm các CLB, đội, nhóm thường xuyên thay đổi, chưa được thường xuyên tập huấn đầy đủ, kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế. “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan (Sở Y tế, Công an tỉnh…) tranh thủ các nguồn lực về kinh phí, con người để tổ chức các hoạt động truyền thông. Đồng thời, tăng cường hoạt động của các CLB “Thắp sáng niềm tin”, CLB tuyên truyền pháp luật, làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh”, chị Huỳnh Thị Anh Thảo cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG