Viêm tai giữa - dễ mang họa nếu chủ quan
Nhỏ ôxy già, “thổi” thuốc kháng sinh, hành khô, phèn phi... là nhiều cách người dân tự chữa khi tai đau, có chảy mủ. Các bác sĩ cho biết đã tiếp nhận điều trị cho nhiều ca bệnh viêm tai giữa (VTG) khó với biến chứng nguy hiểm, do những cách chữa bệnh kiểu vừa kể.
VTG là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm (nằm sau màng nhĩ). Theo bác sĩ Lê Đình Hướng, khoa Tai - Mũi - Họng, BVĐK tỉnh, 90% trường hợp VTG có nguyên nhân từ viêm đường hô hấp trên: viêm mũi, họng cấp, viêm VA. Nếu bệnh VTG cấp không được điều trị kịp thời rất dễ bị thủng màng nhĩ, chảy dịch ở tai.
Bé Nguyễn Hoàng Luân được khám bệnh VTG do tái phát (ảnh chụp sáng 1.4).
Chỉ tại chủ quan
Sáng 27.3 vừa qua, bé Nguyễn Phạm Yến Nhi (19 tháng tuổi, ở Thọ Lộc, Nhơn Thọ, An Nhơn) được đưa vào khoa Tai - Mũi - Họng, BVĐK tỉnh, trong tình trạng sốt cao, ho, màng tai phải xung huyết, trước và sau trên tai trái sưng nề, chảy dịch có mùi hôi. Theo chị Phạm Thị Diễm, mẹ của bé Nhi, trước đó một ngày, bé đã bị sưng, đau tai.
Sau khi được điều trị tích cực, đến trưa 1.4, bé Nhi đã hết sốt, tai đỡ sưng nề, hết đau và không còn chảy dịch. Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Bình, Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, cho biết sức khỏe của bé đã ổn định và có thể xuất viện trong 3 ngày tới.
Theo bác sĩ Bình, bệnh VTG thường xuất hiện ở trẻ 1-5 tuổi, hiếm gặp ở trẻ từ 10 tuổi trở lên. Bệnh thường xuất hiện sau vài ngày có viêm mũi họng, sốt, ho, chảy mũi, có thể bị tiêu chảy và đau tai. Rất ít cha mẹ nghĩ đến VTG khi thấy các triệu chứng ban đầu ở trẻ. Vì thế, khi trẻ được đưa đến viện thì VTG đã biến chứng nặng, có trường hợp tai bục mủ tức là màng nhĩ đã thủng.
Hiện nay, nhiều người vẫn tự chữa bệnh VTG bằng cách uống kháng sinh, “thổi” vào tai đủ thứ như phèn phi, hành khô, da rắn… chỉ đến khi tai đã bị viêm nặng, có biến chứng, thủng màng nhĩ mới vào viện. “Trẻ phải điều trị tích cực trong 3-4 tuần liên tục, nhưng nhiều gia đình không cố gắng theo liệu trình, dễ dẫn đến tái phát, càng khó chữa dứt điểm”, bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Châu, Liên chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, Mắt, Răng - Hàm - Mặt, BVĐK khu vực Bồng Sơn, cho hay.
Trong khi trẻ hay mắc VTG cấp thì người lớn lại thường bị VTG mạn. Màng nhĩ bị thủng khi còn nhỏ rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau này. Nhẹ thì ảnh hưởng thính lực, điếc; nặng thì viêm màng não, áp xe não, tổn thương dây thần kinh mặt gây liệt mặt...
Chừng 3 tháng nay, anh H.V.N. (40 tuổi, ở Tam Quan Nam, Hoài Nhơn) thường xuyên thấy nhức cả 2 tai, thính lực cũng kém dần. Khi đi khám, anh mới biết cả 2 tai của mình đều đã bị thủng màng nhĩ - hậu quả của bệnh VTG mắc từ nhỏ. Vết thủng ở tai trái gần gấp đôi tai phải. Sau khi điều trị bằng kháng sinh, đến nay, tai đã khô, nhưng thính lực của anh vẫn không được cải thiện. “Các bác sĩ khuyên tôi nên phẫu thuật vá màng nhĩ, nhưng phải đảm bảo giữ tai khô liên tục mới mổ được”, anh N. cho biết.
Cẩn trọng với mũi, họng
Năm 2009, bà Phan Thị Cư (ở Chánh Trực, Mỹ Thọ, Phù Mỹ) là một trong những người đầu tiên được vá màng nhĩ tại BVĐK tỉnh. Trước khi được phẫu thuật, tai trái của bà thường ra mủ kéo dài 2-4 ngày, có khi đến 8 ngày mới hết. Khi ấy, sức nghe của tai trái chỉ bằng 30% so với tai phải. “Sau khi được vá màng nhĩ, tai không còn đau nhức, lùng bùng nữa. Giờ sức khỏe tôi đã ổn định, đi làm tốt rồi”, bà Cư cho biết.
Bác sĩ Lê Đình Hướng - người trực tiếp thực hiện ca mổ, giúp thính lực tai trái của bà Cư tăng thêm 12dB so với trước đó - phân tích: “Điều kiện tốt nhất để vá nhĩ thành công là tai khô 1 tháng, dự trữ ốc tai còn tốt, vòi nhĩ thông thoáng. Trường hợp bệnh nhân đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp, dị ứng mũi xoang, nhiễm trùng tai ngoài mạn hoặc cấp… thì không thể mổ ngay”.
Bác sĩ Hướng cũng cho biết, khâu chăm sóc sau mổ cũng rất quan trọng, nên hiếm khi chỉ định mổ vá nhĩ cho trẻ dưới 6 tuổi. Bệnh nhân phải được theo dõi định kỳ đến 1 năm, tránh tái phát. Sáng 1.4, bé Nguyễn Hoàng Luân (5 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) được mẹ đưa vào BVĐK tỉnh khám VTG. Năm 2011, bé từng bị VTG, đã điều trị khỏi nhưng nay lại tái phát.
Với bệnh nhân bị VTG cấp, có nhiều cách điều trị, chủ yếu là nội khoa. Bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc nhỏ tai, đồng thời hút mủ và dịch ra.
Để phòng bệnh VTG, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, người lớn phải giữ gìn vệ sinh mũi họng hằng ngày, hạn chế tối đa trẻ bị viêm mũi họng. Trường hợp trẻ bị viêm mũi họng và viêm VA phải điều trị dứt điểm, đúng cách, tuyệt đối không được tự ý điều trị. Với người lớn, không nên lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc vì dụng cụ không hợp vệ sinh, dễ bị nấm ống tai ngoài, lan vào trong gây VTG. Sau khi tắm ở hồ bơi, tắm biển cũng phải vệ sinh tai thật kỹ bằng tăm bông…
NGUYỄN VĂN TRANG