Khi những người trẻ biết yêu văn hóa truyền thống
Văn hóa cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc của Vĩnh Thạnh, nơi có phần đông người Bana sinh sống. Không chỉ thành lập được CLB cồng chiêng thanh niên ở mỗi xã, thị trấn, mới đây Vĩnh Thạnh còn thành lập được CLB cồng chiêng thanh niên ở cấp thôn.
Sau nhiều năm nỗ lực liên tục, đến nay sinh hoạt cồng chiêng đã trở lại sôi nổi ở Vĩnh Thạnh. Điều này không chỉ nhờ công truyền dạy của nghệ nhân mà còn là sự hiệu quả của các CLB văn hóa truyền thống của thanh niên. Ý tưởng thành lập các CLB nghệ thuật truyền thống cho thanh niên ở huyện Vĩnh Thạnh được Huyện đoàn ấp ủ từ năm 2016. Đến năm 2017, hoạt động này đạt những thành công đầu tiên khi CLB cồng chiêng thanh niên của 3 xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo đã có thể giao lưu với nhau. Năm 2018, nhiều người đã không khỏi bất ngờ khi Liên hoan cồng chiêng thanh niên huyện Vĩnh Thạnh do Huyện đoàn tổ chức thành công ngoài mong đợi với đầy đủ 8 xã, thị trấn có người Bana sinh sống và CLB của Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Vĩnh Thạnh.
Liên hoan cồng chiêng thanh niên huyện Vĩnh Thạnh lần thứ 1 - năm 2018. Ảnh: LONG VŨ
Chị Đinh Thị Thươn, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Bản thân tôi là người Bana, nên tôi hiểu rõ từ lâu người trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống và chính tôi, nhiều thứ tôi không biết, không hiểu. Do vậy, từ khi công tác tại Huyện đoàn, tôi cảm thấy đây là môi trường tốt để tổ chức duy trì và phát triển các loại hình văn hóa truyền thống, đầu tiên là cồng chiêng. Tôi biết điều đó không mấy dễ dàng nhưng đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng tôi. Do vậy, đầu tiên, tôi tìm những xã có một số bạn trẻ và nghệ nhân tâm huyết để thành lập CLB trước. Dần dà đến nay, mỗi xã có người Bana sinh sống đều có CLB cồng chiêng thanh niên. Vui hơn nữa là mới đây, thôn M10 của xã Vĩnh Hòa cũng đã có CLB cồng chiêng thanh niên. Và một số thôn khác cũng “nhìn ngó” Vĩnh Hòa với ý định học theo.
Anh Nguyễn Quốc Danh, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Thịnh, người có nhiều tâm huyết đối với việc thành lập CLB cồng chiêng thanh niên, cho biết: Vĩnh Thịnh thành lập được đội cồng chiêng thanh niên khá sớm. Lợi thế lớn của chúng tôi là có Nghệ nhân Ưu tú Đinh Y Băng và Đinh Kim dẫn dắt, truyền cảm hứng. Định kỳ hàng tháng, CLB sinh hoạt với nhau và từ lâu mọi thứ đã thành nếp sống. Đồng quan điểm với anh Nguyễn Quốc Danh, nghệ nhân Đinh Kim, cho rằng người trẻ học và đánh cồng chiêng càng nhiều thì sẽ bớt ăn nhậu, tâm tính thuần hậu hơn.
Vĩnh Thạnh có đông người Bana sinh sống, nên bài chòi không được nhắc nhiều tại đây. Dù vậy, mới đây Huyện đoàn đã thành lập CLB Dân ca bài chòi tại xã Vĩnh Quang - nơi có đông người Kinh sinh sống. CLB gồm những cô chú lớn tuổi có hiểu biết và yêu thích bài chòi và những ĐVTN của xã. Chị Thươn cho biết thêm, dù biết rằng nhắc đến Vĩnh Thạnh là nhắc đến cồng chiêng nhưng bài chòi là loại hình nghệ thuật đáng tự hào của tỉnh Bình Định nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung nên thanh niên Vĩnh Quang cũng cần phải biết. Do vậy, chúng tôi thành lập CLB Dân ca bài chòi xã Vĩnh Quang. CLB gồm một số cô chú lớn tuổi hiểu biết và mong muốn truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho các bạn thanh niên. Ông Hồ Văn Nên, thành viên CLB Dân ca bài chòi xã Vĩnh Quang, chia sẻ: Thời trước ai mà không biết câu bài chòi, điệu dân ca. Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ hiện nay cũng biết và yêu thích điều này.
Để duy trì hoạt động của các CLB, ngoài việc sinh hoạt định kỳ, hằng năm Huyện đoàn còn tổ chức một số hoạt động liên hoan, giao lưu để các CLB có động lực luyện tập. Bên cạnh đó, Vĩnh Thạnh may mắn vẫn còn khá nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu tâm huyết. Do vậy, tôi mong muốn phối hợp với bậc tiền bối mở các lớp dạy chữ viết, văn hóa cho chính cán bộ, thanh niên người Bana vì như vậy mới có thể hiểu được cái hay, cái đẹp của con chữ, văn hóa để mà yêu và giữ gìn - chị Thươn bày tỏ.
ĐỖ THẢO