Triển vọng nuôi thương phẩm tu hài tại Bình Định
Sau hơn 2 năm, qua một đề tài nghiên cứu, Trung tâm Giống thủy sản Bình Định đã cho sinh sản nhân tạo, nuôi thương phẩm thành công con tu hài (Lutralia rhynchaena) tại Bình Định. Kết quả này mở ra hướng phát triển vật nuôi mới cho ngư dân vùng ven biển, vùng đầm nước lợ trong tỉnh.
Tu hài là một loài nhuyễn thể hai mảnh có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, thích nghi với môi trường nước trong, có độ mặn ổn định. Từ số tu hài bố mẹ khai thác tự nhiên được mua về từ Phú Yên, Khánh Hòa với số lượng trên 400 con, Trung tâm Giống thủy sản đã ương nuôi thành công trên 40.000 con tu hài giống. Trung tâm đã tổ chức 3 điểm nuôi thương phẩm tại đầm Đề Gi, đầm Thị Nại và khu vực biển Hải Giang, thuộc xã Nhơn Hải - TP Quy Nhơn. Thời gian nuôi bắt đầu từ tháng 1.2012, với 2 hình thức nuôi là nuôi treo và nuôi thả đáy.
Tuy nhiên, việc nuôi tu hài tại các điểm vùng đầm không thành công. Ông Lê Tấn Phát, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH, hàm lượng oxy hòa tan, độ mặn ở các điểm nuôi đều ở trong mức cho phép, song do tệ nạn xung điện, xiếc máy ở đầm Đề Gi xảy ra thường xuyên, khu vực nuôi bị cày xới nền đáy hàng đêm nên làm cho môi trường nước bị ô nhiễm. Ở khu vực nuôi Hải Minh - đầm Thị Nại, luồng cảng đang nạo vét gây nên bùn lơ lửng, chất độc hại, khí NH3… gây ô nhiễm, bùn trong nước lắng đọng phủ kín mặt rổ nuôi, làm tu hài không tìm được thức ăn và bị chết nhiều. Nếu không bị sự cố do con người như nói trên thì đầm Đề Gi và đầm Thị Nại là nơi lý tưởng để nuôi tu hài.
Riêng ở Hải Giang, năm 2012, Trung tâm thả nuôi 2 đợt và đều cho kết quả khả quan. Đợt 1, sau 9 tháng nuôi, thu được gần 290 kg tu hài thương phẩm, tỉ lệ sống từ 41- 80%. Đợt 2, thả nuôi 480 rổ (30-40 con/rổ), từ tháng 1 đến tháng 9.2013, tỉ lệ sống 92-96%, sản lượng thu được 770kg.
Ông Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Bình Định, cho biết: “Hiện nay trong tỉnh chưa có hộ dân nào nuôi tu hài. Nuôi tu hài không tốn thức ăn, chỉ tốn tiền mua con giống (khoảng 1.200-1.500 đồng/con), dụng cụ, công chăm sóc. Trung tâm sẽ tiếp tục sản xuất giống tu hài, khoảng 300 ngàn con/năm để cung cấp cho một số mô hình nuôi tu hài của ngành Khuyến ngư và một số chương trình khác. Đầm Thị Nại và Đề Gi có điều kiện tự nhiên, môi trường nước rất tốt cho nuôi tu hài. Thời điểm nuôi tốt nhất từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm. Tuy vậy, muốn nuôi tu hài ở 2 đầm này cần phải chấm dứt được tệ nạn xung điện, xiếc máy”.
HOÀNG LÂN