Hạnh phúc với niềm đam mê
Bên cạnh việc làm chính ổn định và có vẻ không “dính dáng” gì đến nghệ thuật, nhiều ca sĩ, nhạc công, biên đạo múa, diễn viên múa… trong tỉnh đang hoạt động nghệ thuật như một nghề “tay trái”. Ở đó, họ được sống với đam mê của mình và qua đó, đóng góp cho đời sống văn hóa nghệ thuật của tỉnh.
Tình yêu nghệ thuật
Ban ngày, cùng vợ quán xuyến một cửa hàng cung cấp thiết bị điện, nước trên đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), tối đến nhạc công violon Vũ Văn Thất Lang lại mang đàn đến chơi tại các quán cà-phê, phòng trà ca nhạc. Ngoài lịch cố định, Thất Lang còn trình tấu tại những hội nghị, tiệc cưới. Sát cánh cùng 5 thành viên khác trong Nhóm nhạc Flamenco Đường Phố Quy Nhơn, Thất Lang tham gia tích cực vào phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh. Violon là nhạc cụ “hạng sang”, không phổ biến nhưng ngón đàn vĩ cầm của Thất Lang có đất dụng võ. Anh tâm sự, gia đình mình vốn có truyền thống gắn bó với cây đàn vĩ cầm, cả sáu anh em trai đều được cha (cố nghệ sĩ vĩ cầm Vũ Phan Long) dạy đàn từ khi lên 6 tuổi. Nghề đàn không là kế sinh nhai bền vững cho gia đình, nhưng là đam mê không thể dứt bỏ.
Là thợ may lành nghề của tiệm may nổi tiếng Hoài Xuân, anh Hà Thái Hiếu còn được biết đến với vai trò một ca sĩ phòng trà lâu năm ở Quy Nhơn. Sinh năm 1976, trở thành thợ may sau khi tốt nghiệp cấp 3, vài năm sau đó Thái Hiếu bắt đầu đi hát. Đến nay, anh luôn duy trì song song cả công việc này. Gần 20 năm đứng trên sân khấu phòng trà, Thái Hiếu luôn chung thủy với sở trường dòng nhạc trữ tình. “Âm nhạc là tình yêu lớn trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ vì một lý do nào đó mà ngừng đi hát. Trước khi lập gia đình, tôi cũng đã thể hiện rõ chuyện với người yêu. Sau này, khi đã thành vợ chồng cô ấy còn tạo điều kiện để tôi được sống với đam mê hát thường xuyên hơn”, Thái Hiếu chia sẻ. Lịch diễn của Thái Hiếu kín cả tuần, tối thứ 2, 4, 6, 7 biểu diễn tại quán cà-phê Mỹ Phú, còn lại là tại Phòng trà ca nhạc Nghệ Sĩ.
Bên cạnh âm nhạc, múa cũng là lĩnh vực nghệ thuật thu hút khá đông “dân ngoại đạo” tham gia sáng tạo, biểu diễn. Khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào múa Bình Định cũng ghi dấu ấn sáng tạo của chị Nguyễn Minh Hà, giáo viên Trường THCS Hải Cảng (TP Quy Nhơn). Hoạt động biểu diễn sôi động hơn với nhiều gương mặt diễn viên múa không chuyên, như Đoàn Thị Lệ Sương - nhân viên ngân hàng, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - giáo viên mầm non, Vũ Đức Thiện - cán bộ Đoàn…
Trong nhọc nhằn là hạnh phúc
Đội ngũ những người làm nghệ thuật như một nghề “tay trái” ở tỉnh ta khá hùng hậu, tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực: âm nhạc, múa, tuồng, bài chòi… Tuy không qua trường lớp đào tạo bài bản song điểm chung và điểm mạnh của người hoạt động nghệ thuật nghiệp dư là có tố chất, năng khiếu tốt và lòng nhiệt tình, say mê nghệ thuật. Một phần nhờ đội ngũ này mà hoạt động nghệ thuật của từng lĩnh vực đa dạng, phong phú hơn. Họ có đóng góp rất lớn vào phong trào chung của tỉnh.
Ông ĐÀO MINH TÂM, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh
Nét chung trong nguyên nhân không thể dành trọn vẹn tâm lực cho nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ nghiệp dư - làm nghệ thuật chưa thể giúp họ đủ sống với nghề. Có một nghề để sống ổn định, họ sẽ có điều kiện để được thoải mái theo đuổi đam mê. Và thực tế là, khi đời sống vật chất tương đối ổn định, họ làm nghệ thuật thăng hoa hơn.
Thất Lang từng có thời gian chỉ phụ cha, anh dạy đàn và đi biểu diễn. Tuy nhiên, thù lao ít ỏi từ nghệ thuật buộc anh phải tìm lối làm kinh doanh. Ngay như người anh trai Lục Lang, từng xác định đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp khi đỗ vào Nhạc viện Quân đội, ra trường làm công tác giảng dạy nhưng rồi cũng đã chuyển sang làm kinh tế. Thất Lang từng treo đàn 10 năm để lao vào mưu sinh. Bây giờ, khi đã đỡ bí bách về kinh tế, anh dành cho tiếng đàn nhiều thời gian hơn. “Chơi violon với tôi không chỉ để được sống với năng khiếu, đam mê hay thêm một phần thu nhập mà còn là trách nhiệm thiêng liêng, giữ gìn truyền thống nghệ thuật của gia đình”, Thất Lang xúc động chia sẻ.
Còn với Thái Hiếu, cả hai nghề- thợ may và nghệ sĩ- đều được anh đầu tư thời gian, công sức và rèn tay nghề như nhau. Thái Hiếu bộc bạch: “Khi ca sĩ thể hiện một ca khúc, khán giả có người nghe có người không. Nhưng, chỉ cần bắt gặp sự đồng điệu ở một tâm hồn nào đó, chỉ cần còn có vài khán giả thật sự nghe mình hát, thì đó chính là sự đáp đền. Làm nghệ thuật nghĩa là chấp nhận khổ, nghèo nhưng vô cùng hạnh phúc!”.
SAO LY
Thiết nghĩ Trung tâm văn hóa tỉnh nên tổ chức 1 sân chơi chung về hoạt động nghệ thuật cho những thành phần này. Với Lòng yêu nghề, cái Tâm trong sáng thì Họ có thể được đền đáp như vậy!