Bị bỏng vì bong bóng vỡ
Sáng 30.3 vừa qua đã xảy ra một vụ tai nạn hy hữu, khi chùm bong bóng vỡ làm hai người đàn ông bị bỏng phải nhập viện.
Đó là ông H. (53 tuổi) và ông T. (49 tuổi), đều ở huyện Phù Cát. Khi được đưa vào khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh, cả hai nạn nhân đều bị bỏng ở vùng mặt, cổ, ngực và 2 tay. Kết quả khám cho thấy, ông H. bị bỏng 15%, còn ông T. nhẹ hơn là 10%.
2 cánh tay bị cháy sém của ông T.
Ngay sau khi được đưa vào viện, 2 bệnh nhân được thay băng cấp cứu, dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc bôi bỏng đặc trị. Đến chiều 1.4, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, ông T. sẽ được xuất viện trong ngày 2.4; riêng ông H. còn phải theo dõi thêm, đồng thời kiểm tra tổn thương ở vùng mắt.
Theo lời kể của ông H., 9 giờ 30 phút ngày 30.3, ông và ông T. đang cố tháo một quả bong bóng bay từ chùm 6-7 cái, thình lình chùm bong bóng phát nổ. “Đồng thời với tiếng nổ là ngọn lửa cực kỳ nóng phụt lên rất nhanh, làm chúng tôi không kịp trở tay”, ông H. cho biết.
Ngọn lửa đã làm cháy sém 2 cánh tay, toàn bộ khuôn mặt, lan sang cả tóc của ông H; trong đó vùng cằm bị nặng nhất. Còn ông T. cũng bị bỏng tay, mặt, nhưng mức độ nhẹ hơn. Theo bác sĩ Vinh, đây là lần đầu tiên khoa tiếp nhận bệnh nhân bị bỏng do bong bóng vỡ gây ra. Nhiều khả năng, khí dùng để bơm bong bóng là acetylene. Khi cố tháo bong bóng, nạn nhân đã cọ xát làm bong bóng vỡ, khí acetylene được giải phóng, gặp không khí gây cháy.
Acetylene là hợp chất hóa học có công thức C2H2. Đây là chất khí không màu, có mùi đặc trưng, khó ngửi, nhẹ hơn không khí. Khi acetylene cháy trong ôxy cho ngọn lửa lên đến 3.200 độ C.
“Từ sự việc đáng tiếc này, người lớn càng cẩn trọng khi cho trẻ chơi đùa với bong bóng. Trẻ cầm bong bóng ngang mặt, trong khi người lớn hút thuốc lá bên cạnh thì nguy cơ vỡ bong bóng, gây cháy là không nhỏ”, bác sĩ Vinh cảnh báo.
MAI LÂM