Thiếu cán bộ thể thao cấp xã: Ảnh hưởng lớn đến phong trào
Sau khi Nghị định 92/2009/NÐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, các địa phương đều không còn cán bộ chuyên trách công tác TDTT. Ðiều này đã ảnh hưởng khá nhiều đến phong trào TDTT ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2010. Trong đó, công chức văn hóa - xã hội cấp xã có nhiệm vụ: Tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong các lĩnh vực văn hóa, TDTT, du lịch, thông tin, truyền thông, lao động, thương binh, xã hội, y tế, giáo dục theo quy định của pháp luật (!)
Thiếu cán bộ chuyên phụ trách TDTT cấp xã, rất dễ bỏ sót những tài năng thể thao để giới thiệu cho các tuyến năng khiếu của tỉnh.
- Trong ảnh: Một trận đấu ở giải bóng đá học sinh TP Quy Nhơn.
Khi còn Sở TDTT (cũ), lãnh đạo ngành Thể thao đã xin được cơ chế cộng tác viên thể thao cơ sở cho 159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Khi ấy, những cộng tác viên này được hưởng phụ cấp bằng mức lương cơ bản. Sau đó, ở nhiều địa phương có cán bộ phụ trách riêng mảng TDTT. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 92/2009/NĐ-CP có hiệu lực, các xã, phường, thị trấn chỉ có một công chức văn hóa - xã hội, thực hiện nhiều nhiệm vụ chứ không chỉ lo công tác TDTT.
Ông Phan Tuấn Sơn, Phó phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT), chia sẻ: “Điều này rõ ràng ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động phong trào, bởi một người có am hiểu về TDTT chỉ lo riêng cho công tác này còn khó, huống gì một người phải căng mình trong nhiều lĩnh vực. Ngay cả việc làm thống kê, báo cáo cũng khó mà chính xác, kịp thời như trước. Ở nhiều địa phương, cán bộ TDTT còn kiêm cả việc vận động xã hội hóa để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động, do đó cần rất nhiều thời gian để họ chuyên tâm cho công việc này”.
Nhiều xã 10 năm cầm cự như vậy đến nay thì… chịu không nổi nữa vì thực tế không thể có công chức nào lại có thể nắm và hoàn thành tất cả những nhiệm vụ, lĩnh vực mà Nghị định đã quy định. Bởi vậy, cùng quan điểm như ông Sơn, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân Ngô Trần Hùng, phân tích: “Trước đây, khi ở các xã có cán bộ phụ trách thể thao, phong trào sôi nổi hơn rất nhiều. Điều đó có được là vì cán bộ có chuyên môn hoặc am hiểu về thể thao, có khả năng vận động những nhân tố nổi bật trong xã tham gia các giải do huyện tổ chức, hoặc là đầu tàu tổ chức các giải thể thao cấp xã. Nhưng hiện nay ở xã chỉ có chức danh công chức văn hóa - xã hội, kiêm nhiệm cùng lúc nhiều công việc. Trong đó, nhiều người không có kiến thức về thể thao, lại phụ trách thêm những mảng khác nên hiệu quả không cao như trước”.
Theo ông Lê Thanh Tuấn, cán bộ TDTT Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Nhơn, với sự thay đổi về người phụ trách lĩnh vực thể thao tại các xã, thị trấn, công tác tổ chức phong trào và tham gia hoạt động cấp huyện cũng có sự đổi khác. “Ở một số giải đấu gần đây, số lượng các đội đại diện cho xã, thị trấn tham gia không đông đủ như trước. Bên cạnh đó, một số đơn vị chỉ cử đội tham gia… cho có, để khỏi bị “trừ điểm” chứ không chú tâm đến chất lượng, thiếu sự đầu tư tập luyện để tranh chấp thứ hạng để có thể đưa phong trào phát triển thêm”.
Không chỉ ảnh hưởng đến phong trào, việc thiếu cán bộ TDTT ở cơ sở cũng có những tác động tiêu cực đến thể thao thành tích cao, nhất là trong công tác phát hiện, tuyển chọn VĐV. Ông Đào Duy Khoa, HLV bóng đá thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho hay: “Trước đây, chúng tôi thường tuyển chọn VĐV từ hệ thống vệ tinh, trường học và từ sự giới thiệu của cán bộ TDTT cấp xã. Tuy nhiên, khi đội ngũ cán bộ TDTT cấp xã bị cắt giảm thì rất dễ bỏ sót những cầu thủ tiềm năng, bởi không phải ở đâu cũng có vệ tinh, người có chuyên môn để phát hiện, giới thiệu những em có tố chất phù hợp với bóng đá”.
Thực trạng đã diễn ra như vậy cho thấy một số điểm của Nghị định 92/2009/NĐ-CP không tương thích với thực tế; các ngành, các cấp cần kịp thời nắm bắt những tác động của các quy định để kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, để phong trào TDTT ở các địa phương được duy trì và phát triển.
HOÀNG QUÂN
Cán bộ nào thì phong trào đó. Nếu ở xã mà lãnh đạo yêu thích, ham thể thao thì xã đó sẽ mạnh về thể thao. Vậy thôi.