Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu: Nỗ lực duy trì sản xuất, chờ cơ hội xuất khẩu
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trước đó của nhiều DN chế biến thủy sản trong tỉnh bị khách hàng yêu cầu tạm hoãn, dừng lại hoặc hủy. Dù vậy, các DN vẫn nỗ lực mua gom nguyên liệu chế biến, duy trì hoạt động để giữ chân người lao động.
Theo Sở Công Thương, quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản Bình Định ước đạt 15,5 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU - vốn chiếm tới 70% tổng KNXK thủy sản của tỉnh - bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nên mức tiêu thụ giảm rất mạnh.
Nỗ lực duy trì sản xuất
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết: “Từ giữa tháng 2.2020 đến nay, các DN thủy sản trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn bởi khách hàng nước ngoài đã tạm dừng hoặc hủy đơn hàng do nhu cầu tiêu thụ giảm, hoạt động thương mại giữa các nước bị gián đoạn; đơn hàng bị chậm trễ hoặc không ký thêm được hợp đồng mới. Một vài DN phải tạm dừng sản xuất do không có đơn hàng xuất khẩu...”.
Hoạt động chế biến tôm xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến thủy sản Tam Quan (thuộc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn).
Bình quân mỗi năm, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn xuất khẩu hơn 1.000 tấn tôm sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Nhìn chung, hợp đồng có quanh năm. Tuy nhiên, từ tháng 2.2020 đến nay, DN không ký được hợp đồng mới. Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, bộc bạch: “Đầu năm 2020, DN chỉ xuất được vài đơn hàng, trị giá khoảng 500 nghìn USD, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chúng tôi không ký được đơn hàng mới và cũng không xuất lô hàng nào. Đầu ra đứng sựng lại như vậy nhưng chúng tôi vẫn mua gom tôm để giữ bạn hàng cung cấp nguyên liệu, duy trì hoạt động các kho lạnh để bảo quản nguyên liệu!”.
Tương tự, Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn chủ yếu xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh sang Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trung bình mỗi quý DN xuất khoảng 150 tấn tôm, đạt KNXK khoảng 700 nghìn USD. Song, việc đưa hàng vào thị trường này gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các đối tác của Công ty yêu cầu giãn thời gian giao hàng, nên đến nay DN này chỉ xuất được gần 40 tấn tôm. Dù rất khó khăn như vậy nhưng DN vẫn cố gắng mua nguyên liệu và duy trì sản xuất đến mức có thể để giữ chân lao động.
Chờ cơ hội xuất khẩu
Đến thời điểm này, một số thị trường các nước, như Trung Quốc, Hàn Quốc… đã bắt đầu mở cửa trở lại, đây là tín hiệu khả quan cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của các DN thủy sản trong tỉnh.
Ông Tạ Văn Nga, Giám đốc Xí nghiệp chế biến thủy sản Tam Quan (thuộc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn), cho biết: “Hiện tại, chúng tôi hoạt động sản xuất trở lại và đang chuẩn bị xuất vài đơn hàng sang Hàn Quốc. Nhưng việc sản xuất vẫn chỉ ở mức cầm chừng, cố gắng giải quyết 100 tấn tôm nguyên liệu trữ kho trong mấy tháng qua. Chúng tôi cũng đã làm các thủ tục để được Nhà nước hỗ trợ”.
Trước bối cảnh này, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết: “Tình hình khó khăn của các DN nói chung, DN thủy sản trong tỉnh nói riêng, chúng tôi đã nắm rõ và tham mưu để UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan xem xét, giải quyết, hỗ trợ cho các DN. Hiện tại chúng tôi tiếp tục tích cực hướng dẫn để các DN có thể nhận được kết quả hỗ trợ tốt nhất”.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong vài tuần tới, nhiều khả năng tình hình xuất khẩu sẽ có chuyển biến tích cực do không chỉ Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19, mà hiện tại một số nước cũng đã đạt được kết quả tương tự. Một số ngành hàng xuất khẩu, như tôm, cá tra sẽ sớm được phục hồi, các nước sẽ nhập khẩu nguyên liệu trở lại để sản xuất, các DN sẽ có cơ hội xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết: VASEP cũng đã kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, các quy định nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho DN… để giúp các DN sớm hoạt động ổn định, vượt qua khó khăn, đưa được sản phẩm vào thị trường các nước.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN