Trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo: Hiệu quả thiết thực
Những năm qua, tỉnh ta triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo tại các huyện nghèo, các xã bãi ngang, ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp người dân ở các khu vực này tiếp cận, tìm hiểu pháp luật, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật.
Những năm qua, tỉnh ta triển khai có hiệu quả chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo.
- Trong ảnh: Người dân làng Canh Phước, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) tham dự buổi TGPL lưu động.
Theo Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp), thời gian qua, chính quyền địa phương thuộc các huyện nghèo miền núi, các xã bãi ngang, ven biển trên địa bàn tỉnh và các ngành chức năng liên quan triển khai đồng bộ, sâu rộng Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2020.
Đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh phối hợp với ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương tổ chức 289 đợt TGPL lưu động tại 23 xã thuộc 3 huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và 24 xã nghèo bãi ngang, ven biển với sự tham dự của gần 28.000 lượt người; thực hiện tư vấn pháp luật hơn 3.770 vụ việc. Hầu hết vụ việc được TGPL liên quan đến các lĩnh vực như: Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính sách bồi thường, giải tỏa; hôn nhân và gia đình; chính sách người có công; chính sách bảo trợ xã hội…
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng cho 107 người, gồm: 55 trẻ em, 35 người nghèo, 17 người dân tộc thiểu số. Tất cả các vụ việc được hỗ trợ thuộc lĩnh vực hình sự; các trợ giúp viên tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.
Bên cạnh đó, 23 CLB TGPL ở các xã thuộc huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh thường xuyên tổ chức sinh hoạt ở các điểm thôn, làng có nhiều vướng mắc pháp luật. Tại các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm CLB tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Qua đó, các thành viên CLB và người dân cùng trao đổi, thảo luận tìm ra hướng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư; góp phần tháo gỡ những vướng mắc pháp luật đang xảy ra hàng ngày tại cơ sở. Các CLB TGPL và các tổ hòa giải cơ sở còn phối hợp với Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật, tư vấn pháp luật cho hàng chục nghìn lượt người; hòa giải thành hàng nghìn vụ tranh chấp.
Theo ông Lê Thành Trung, Quyền Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh: Để thực hiện hiệu quả chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo, Trung tâm tập trung tăng cường truyền thông về cơ sở. Công tác này được triển khai bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp những nội dung về TGPL, như: Diện người được TGPL, các hình thức TGPL, lĩnh vực pháp luật được TGPL, địa chỉ tổ chức thực hiện TGPL.
Ngoài ra, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ để cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng TGPL cho người thực hiện TGPL; thành viên Ban chủ nhiệm CLB TGPL tại 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão. Tại các đợt tập huấn, các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh phổ biến, giới thiệu những nội dung cơ bản về Luật TGPL, Luật Đất đai, pháp luật về hình sự, dân sự… Qua đó, giúp người thực hiện TGPL và thành viên CLB TGPL cập nhật các thông tin, chính sách về TGPL; tháo gỡ những tồn tại trong việc tổ chức sinh hoạt CLB TGPL.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đánh giá: Việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL tại 23 xã nghèo miền núi, 24 xã nghèo bãi ngang, ven biển và 47 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Người dân và người được TGPL tự tin hơn khi tham gia vào các quan hệ pháp luật.
Đối với chính quyền địa phương ở cơ sở, các hoạt động TGPL góp phần tác động tích cực trong việc giải quyết kịp thời những vướng mắc pháp luật, một số mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân. Góp phần hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng có sự quan tâm đến các đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để yêu cầu Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ trong các vụ án hình sự, dân sự. Với những hiệu quả tích cực này, thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, các địa phương và ngành chức năng liên quan cần tăng cường các hoạt động TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nhân dân trong tỉnh nói chung.
VĂN LỰC