Du lịch giảm giá, không giảm chất
Ngoài việc xây dựng các gói ưu đãi hấp dẫn, nhiều ý kiến cũng đề nghị ngành du lịch Quảng Nam phải liên kết với Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế để hình thành tour, tuyến du lịch chung cho riêng khu vực này.
Giảm sâu giá dịch vụ, các chương trình ưu đãi hấp dẫn và tăng giá trị cho du khách bằng các tour tuyến mới... là những đề xuất được các doanh nghiệp và chuyên gia du lịch đưa ra tại hội nghị kích cầu du lịch, do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức ngày 13.5.
Dịch Covid-19 đã khiến các điểm du lịch nổi tiếng như Hội An, Mỹ Sơn, Huế… “đói” khách - Ảnh: B.D.
Chăm chút theo tiêu chuẩn "hoàng gia"
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - cho biết, trước mắt các sản phẩm du lịch sẽ tập trung vào khách nội địa, từ cuối 2020 sẽ bắt đầu chuyển qua kích cầu khách quốc tế.
"Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng đã đưa ra thông điệp Người Việt đi du lịch Việt. Kèm theo đó là các chương trình, gói ưu đãi cụ thể từ đề xuất của các doanh nghiệp, và được thống nhất một đầu mối để áp dụng ngay, có thể là từ đầu hoặc giữa tháng 6" - ông Thủy nói.
Tuy nhiên bà Đào Khánh Vân, tổng quản lý khu phức hợp Vinpearl Nam Hội An, đề nghị không nên tách riêng ra từng dịch vụ để giảm giá, mà tích hợp thành các gói ưu đãi (combo), nâng cao giá trị của từng dịch vụ để phục vụ khách tốt nhất. Một số doanh nghiệp đề xuất xây dựng các tour du lịch tìm hiểu về các nghề truyền thống, các tour du lịch xanh, các tour du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Để thu hút du khách, theo các doanh nghiệp, khi tới Hội An hay các điểm đến khác tại Quảng Nam, khách phải được đưa đón từ sân bay, bến cảng về tới khách sạn. Quá trình này, khách được sử dụng dịch vụ cao cấp, chăm chút theo tiêu chuẩn "hoàng gia" cho tới khi trả phòng, rời dịch vụ.
"Mỗi khách sạn, doanh nghiệp lữ hành phải phục vụ khách trên chuẩn, khách phải hài lòng tuyệt đối, được chăm lo tuyệt đối. Thậm chí mỗi người tới Hội An hay Mỹ Sơn đều phải được... tặng quà khi rời đi" - ông Trần Thái Do, chủ sở hữu Silk Sense Hội An, nói.
Quảng Nam, Đà Nẵng cùng bắt tay
Cũng tại buổi họp, ông Lê Ngọc Tường, phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết ngành du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế dự kiến cùng ngồi lại để bàn cách kích cầu, triển khai chương trình Ba địa phương một điểm đến an toàn, mến khách. Các địa phương sẽ cùng tổ chức một lễ ký kết, công bố các gói kích cầu mang tầm "vùng", trong đó mỗi địa phương sẽ xây dựng quảng bá từng đặc trưng riêng.
Theo ông Tường, việc chăm chút cho khách nội rất quan trọng nhưng chuyển hướng qua xây dựng sản phẩm phục vụ khách trong nước chỉ là một giai đoạn tình thế để giữ "hơi ấm" kinh doanh. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp quá tập trung vào "miếng bánh" trong nước sẽ tự làm khó mình. "Nếu đầu tư với chi phí quá lớn cho các sản phẩm phục vụ du khách nội địa, các doanh nghiệp sẽ khó trở tay kịp một khi khách quốc tế trở lại" - ông Tường nói.
Ông Trần Thái Do cho rằng du lịch Hội An chủ yếu khai thác thị trường khách quốc tế, và chưa bao giờ là du lịch "giá rẻ". Do đó, nếu quá sa đà vào chuyện đại hạ giá để thu hút khách nội địa, du lịch Hội An sẽ có nguy cơ đánh mất thương hiệu.
"Đừng có tư duy "rẻ" để rồi đầu tư quá nhiều kinh phí vào đó mà cần chi tiết hóa "cái gì rẻ", cái gì nhất quyết phải giữ nguyên. Điều quan trọng nhất là không buông lỏng quản lý, buông lỏng việc chăm chút cho sản phẩm của mình" - ông Do nói.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các gói du lịch miễn phí cùng hàng trăm buồng phòng chuẩn 5 sao, các dịch vụ ăn uống chất lượng cao với giá rẻ... Chẳng hạn, Công viên Ấn tượng Hội An cho biết sẽ giảm 30% giá vé xem show Ký ức Hội An cho tất cả khách nội địa, đồng thời tặng ít nhất 2.000 vé cho y bác sĩ, công an, bộ đội tham gia chống COVID-19 trên toàn quốc. Một doanh nghiệp hứa tặng miễn phí hàng trăm suất ăn tại nhà hàng 5 sao trong hệ thống. Một số khu lưu trú cao cấp cũng cam kết dành hàng trăm phòng lưu trú miễn phí cho du khách nội địa.
Theo TTO