Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025:
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa
Thời gian qua, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực. UBND tỉnh xác định, mục tiêu của Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa.
Đến bây giờ, bà Trần Thị Thu Thái, chủ hộ kinh doanh Trí Lực (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) vẫn chưa quên những ngày tháng đầu năm 2018, thời điểm được Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) chọn tham gia đề án “Đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất đồ gỗ nội thất”. Theo đó, dự án đầu tư mua sắm máy bào 4 mặt 5 trục dao để sản xuất đồ gỗ nội thất với vốn đầu tư 430 triệu đồng, trong đó hộ kinh doanh Trí Lực được hỗ trợ 163 triệu đồng. Kết quả, dự án của Trí Lực đạt chỉ số sinh lời 31% (lãi hơn 83 triệu đồng/năm), đồng thời tạo việc làm cho 9 lao động ở địa phương với thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Công nhân của hộ kinh doanh Trí Lực vận hành máy bào 4 mặt 5 trục dao.
Hộ kinh doanh Trí Lực chỉ là một điển hình về hiệu quả của công tác khuyến công thời gian qua. Theo ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, đã có 341 chương trình, đề án khuyến công được triển khai tại Bình Định. Trong đó, 21 chương trình, đề án/gần 28 tỷ đồng được chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ hơn 9,7 tỷ đồng (chiếm 35% so tổng vốn đầu tư); chương trình khuyến công địa phương thực hiện 320 đề án (cấp tỉnh 137 đề án, cấp huyện 183 đề án), tổng vốn hỗ trợ là hơn 18 tỷ đồng (chiếm 65% so tổng kinh phí). Nhờ những hỗ trợ trên, nhiều nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và phát triển, góp phần tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đặc biệt làm gia tăng số lượng cơ sở sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dù vậy, cũng theo ông Văn Thái Toàn, nếu nghiêm túc nhìn nhận thì vẫn còn một số khó khăn lớn, hạn chế cần sớm khắc phục. Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đang thiếu vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc để mở rộng sản xuất; khả năng tìm kiếm mở rộng thị trường còn hạn chế; nhiều cơ sở phát triển theo kiểu tự phát nên việc lựa chọn đề xuất đề án hỗ trợ từ nguồn khuyến công còn hạn chế về quy mô.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trên cơ sở đánh giá những kết quả và cả những hạn chế, tồn tại, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Chương trình kế hoạch phát triển hoạt động khuyến công giai đoạn 2021 - 2025. Nhiệm vụ, mục tiêu mà chương trình xác định là: Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khuyến công; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung chương trình hoạt động khuyến công, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển làng nghề; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa; tạo điều kiện cho công nghiệp nông thôn phát triển bền vững trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Các chỉ tiêu cụ thể của chương trình là: Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 20% (tương đương 16.000 tỷ đồng) tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; hỗ trợ khoảng 300 học viên tham gia các khóa đào tạo, khởi sự, nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề; trên 110 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ.
Để đạt được những mục tiêu trên, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp, như: Xác định khuyến công là một trong các giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp; thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực khuyến công, nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển; quan tâm sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động khuyến công từ cấp tỉnh đến cấp huyện; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn các cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng các chương trình, đề án khuyến công.
VIẾT HIỀN