Phát triển điện mặt trời áp mái: Cần bảo vệ quyền lợi người tham gia
Cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia phát triển điện mặt trời áp mái là vấn đề quan trọng đặt ra tại buổi làm việc giữa Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh và Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh ngày 12.5.
Chưa kiểm soát được chất lượng pin
Theo số liệu của Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định), tính đến hết quý I/2020, công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tại Bình Định chỉ đạt 5.159 kWp/565 khách hàng; tổng sản lượng phát trên lưới trong quý I/2020 là 667.912 kWh. Tuy nhiên, dự báo ĐMTAM sẽ phát triển nhanh trong thời gian đến, nhất là sau khi nhiều chính sách khuyến khích được triển khai, trong đó có quy định về giá mua lại ĐMTAM là 1.943 đồng/kWh.
Theo Giám đốc PC Bình Định Huỳnh Ngọc Việt, bên cạnh công tác tuyên truyền, đơn vị cũng tạo điều kiện hỗ trợ tối đa việc ký hợp đồng mua bán, đấu nối để phục vụ khách hàng. Song, vấn đề quan trọng đặt ra là chất lượng pin lắp đặt. “Có thông tin về hàng trôi nổi đã sử dụng 10 năm từ Nhật Bản nhập về với giá rẻ, “mông má” lại và bán ra thị trường, rất khó nhận ra bằng mắt thường”, ông Việt thông tin.
Cần kiểm soát chặt chất lượng pin điện mặt trời áp mái. Ảnh minh họa
Xung quanh vấn đề này, ĐBQH Huỳnh Cao Nhất đặt ra hàng loạt câu hỏi: Về góc độ quản lý nhà nước, ai quản lý giá pin? Nếu chất lượng không tương ứng với giá cả, ai bảo vệ quyền lợi người sử dụng? “Mức đầu tư ĐMTAM của một hộ thấp nhất cũng 50 triệu đồng, nhiều lên đến 150 - 180 triệu đồng; biết là có lợi, nhưng đâu phải ngày một ngày hai, mà phải 7 - 10 năm sau mới thu hồi được vốn. Thời hạn bảo hành pin kêu là 10 - 20 năm, nhưng 5 năm công ty phá sản, biết ai mà đòi? Đó là chưa kể đã xuất hiện tình trạng các tấm pin gây lóa, ảnh hưởng đến các nhà xung quanh nên bị người ta phản ứng”, ông Nhất nói.
Thông tin tại buổi làm việc, ĐBQH Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN - cho hay Bộ KH&CN đã có văn bản chỉ đạo thực hiện điều tra, phân loại pin sử dụng để làm ĐMTAM. Từ đó tiến tới xây dựng tiêu chuẩn các loại pin và giải pháp xử lý pin thải sau khi sử dụng. Còn Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng khẳng định, Sở sẽ có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể xung quanh vấn đề này. Ông Tổng cũng cho rằng, cần tính đến phương án thuê một đơn vị tư vấn chung cho người dân trong tỉnh, “chứ giá loạn xạ, mắt thường sao biết được pin nào tốt xấu!”.
Lùng nhùng chuyển giao lưới điện
Bên cạnh việc ĐMTAM chưa được quản lý chặt, những vướng mắc trong quá trình chuyển giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.
Ông Ngô Văn Tổng cho biết, tính đến nay, vẫn còn 10 HTX chưa chuyển giao lưới điện cho ngành điện quản lý; trong đó Hoài Ân có 4 đơn vị, Tây Sơn có 3, Tuy Phước 2 và Hoài Nhơn 1. Bên cạnh đó, tại cả 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, 3 công ty cổ phần tổng hợp đều chưa thực hiện bàn giao.
“Quan điểm của ngành điện và Công Thương là tất cả phải chuyển giao lưới điện cho ngành điện quản lý càng sớm càng tốt để có nguồn lực đầu tư hiệu quả. Song, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ. Chẳng hạn, dù cử tri rất bức xúc về chất lượng điện, lãnh đạo huyện rất ủng hộ việc chuyển giao, nhưng phải mất 1 năm, HTXNN Ngọc An (xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) mới chuyển giao xong cho ngành điện”, ông Tổng cho hay.
Ông Huỳnh Ngọc Việt cho biết thêm, với xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), PC Bình Định đã chuyển phương tiện, thiết bị ra đảo, sẵn sàng phục vụ phát điện 24/24 giờ trong thời gian chờ hoàn thành dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho đảo (dự kiến tháng 9.2020). Thế nhưng, 1 năm đã trôi qua mà chưa chuyển giao xong, người dân vẫn bị hạn chế thời gian sử dụng điện, trong khi những thủ tục cuối cùng theo quy định vẫn phải chờ tận... Trung ương!
Cùng với thủ tục nhiêu khê, bài toán nhân sự cũng là rào cản lớn trong quá trình chuyển giao. “Chúng tôi đã đi khảo sát, nhiều trường hợp rất phức tạp. Dôi dư hàng trăm lao động khi chuyển giao, nên họ chần chừ, cân nhắc cũng là điều dễ hiểu”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh phân tích.
Ông Huỳnh Ngọc Việt chia sẻ, tiếp nhận lưới điện thì được, nhưng con người thì khó. Chưa đầy 2 năm qua, PC Bình Định đã thực hiện chính sách nghỉ việc cho 200 người làm nhiệm vụ thu ngân, ghi chỉ số công tơ trực tiếp. “Bản thân chúng tôi phải sắp xếp nhân sự rồi, giờ sao lại nhận thêm được?”, ông Việt bày tỏ.
Sở Công Thương và PC Bình Định đều thống nhất đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh trong quá trình hoạt động lưu ý lãnh đạo các địa phương quan tâm, phải thống nhất, đồng tình ủng hộ thì việc chuyển giao lưới điện mới đảm bảo tiến độ, hài hòa lợi ích.
“Mất niềm tin rất khó lấy lại”
Về việc tiền điện có dấu hiệu tăng bất thường, Phó Giám đốc PC Bình Định Nguyễn Ngọc Tuấn giải thích đây là hiện tượng có tính quy luật thời tiết hằng năm. Tại khu vực Bình Định, do thời tiết nắng nóng, sản lượng điện sinh hoạt tháng 4.2020 tăng hơn 21,7% so với tháng 3.2020. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội nên việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó. Ngành điện đảm bảo ghi điện chính xác lượng tiêu thụ và đúng ngày theo quy định.
Không chỉ bức xúc vì tiền điện tăng bất thường, đại biểu Đặng Hoài Tân còn đặt câu hỏi tại sao thông tin tiền điện của tháng 4.2020 không được nhắn đến điện thoại như thường lệ. Trước lý giải do mạng trục trặc của PC Bình Định, bà Lý Tiết Hạnh nói: “Phải có phương án dự phòng, không thể điện lực đổ cho nhà mạng, nhà mạng lại đổ lỗi khách quan. Nếu thông tin không rõ ràng, người biết thì ý kiến, người không biết thì hoài nghi. Đã mất niềm tin thì rất khó lấy lại!”.
NGUYỄN VĂN TRANG