Xây Ðền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực trên quê hương Bình Ðịnh
Sau thời gian ấp ủ, vừa qua, tỉnh Bình Ðịnh tổ chức lễ khởi công xây dựng Ðền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực trên quê hương của ông - xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Ðền thờ được xây dựng tại Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, nơi tổ tiên Nguyễn Trung Trực từng sinh sống trước khi vào Nam lập nghiệp. Từ đây, vùng đất “3 động 4 đèo” có thêm 1 điểm di tích đáng tự hào.
Nguyễn Trung Trực một vị thủ lĩnh của phong trào chống thực dân Pháp ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX. Ông lưu danh thiên cổ với câu nói khẳng khái: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Sau khi ông hy sinh, người dân vô cùng tiếc thương. Đến nay, nhiều nơi ở miền Nam, miền Tây Nam bộ xây dựng đền thờ, tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ. Trong đó, lễ giỗ tại Đình thờ Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang luôn đông nhất với hơn 1 triệu lượt khách. Có một điểm đáng tiếc là ngay cả người Bình Định - không phải ai cũng biết nguyên quán của Nguyễn Trung Trực là ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát.
Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực.
Việc xây dựng Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực được ấp ủ từ năm 2013. Khi đó, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát để lên phương án quy hoạch, xây dựng Đền thờ. Và nơi được chọn là vị trí vốn tọa lạc Lăng Ông Nam Hải xưa. Theo một số tài liệu, ông nội Nguyễn Trung Trực - ông Nguyễn Văn Đạo - là người khởi xướng và huy động nhân dân xây dựng lăng. Tại đây nay vẫn còn vết tích của đình làng và chùa Xóm Lưới. Khi được tin tỉnh sẽ xây dựng Đền thờ Nguyễn Trung Trực, nhân dân địa phương rất ủng hộ.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Dự án Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực khởi phát từ lòng ngưỡng mộ, tưởng nhớ và tri ân của nhân dân tỉnh Bình Định đối với anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo nghĩa quân Cần Vương chiến đấu, kiên cường chống thực dân Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX trên đất Nam bộ. Công trình được xây dựng bằng ngân sách của tỉnh và sự tài trợ của Công ty CP tập đoàn Đèo Cả. Dự kiến, lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực sẽ được tổ chức trong tháng 10.2020 vào dịp tưởng niệm 152 năm ngày mất của ông.
Theo thiết kế dự án, công trình gồm các hạng mục: Cổng tam quan; sân hành lễ; đền thờ chính; nhà quản lý, lưu niệm; nhà soạn lễ; nhà vọng cảnh; nhà bia; vườn trồng cây lưu niệm... Tất cả được thiết kế và xây dựng có quy mô phù hợp, hài hòa với không gian và kiến trúc tổng thể.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị, Công ty CP tập đoàn Đèo Cả, chia sẻ: Chúng tôi tự hào là đơn vị tài trợ xây dựng đền thờ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Công ty đã gắn bó với tỉnh Bình Định từ rất nhiều công trình như: Hầm Cù Mông, tài trợ xây dựng nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Ngô Mây; xây dựng Trường Tiểu học số 2 Cát Thắng (huyện Phù Cát)... Và nay, chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia xây dựng đền thờ anh hùng dân tộc trên bản quán của ngài.
Chị Nguyễn Thị Như Duyên, một người dân Phù Cát, chia sẻ: Ngày bé, tôi đã từng nghe ông nội tôi kể về vị anh hùng này nhưng nó huyền hoặc như truyền thuyết, chuyện cổ tích. Mấy năm gần đây có thông tin về việc tỉnh sẽ xây dựng đền thờ, tôi mới xác tín rõ ràng anh hùng dân tộc là người Bình Định. Việc tỉnh xây dựng đền thờ không chỉ giúp tôi mà còn cho nhiều người có thêm một niềm tự hào.
Gần nơi xây dựng Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực có Linh Phong thiền tự nổi tiếng với Lễ hội chùa Ông Núi, tượng phật ngồi cao sừng sững, bãi biển đẹp xanh mát. Ngoài dịp lễ, Tết, mỗi Lễ hội chùa Ông Núi, hàng nghìn du khách khắp nơi lại trẩy hội. Chắc rằng, sau khi công trình Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực hoàn tất, du khách có thêm một địa điểm để tham quan.
THẢO KHUY