Thêm yêu quê hương từ những việc giản dị
“Đa dạng hóa biện pháp giáo dục, bảo tồn công trình văn hóa lịch sử cho học sinh THCS huyện Hoài Ân” là tên của đề tài đã tham gia cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp huyện năm học 2019 - 2020 của nhóm học sinh Trường THCS Ân Mỹ, huyện Hoài Ân. Đây là lần đầu tiên cuộc thi này có sản phẩm tham gia thuộc lĩnh vực “Khoa học xã hội và hành vi”.
Để tiến hành thực hiện đề tài, nhóm học sinh Trần Thị Bích Trang và Nguyễn Phạm Trà My (lớp 9A2) đã tiến hành khảo sát 5 trường THCS phía Bắc của huyện Hoài Ân. Kết quả cho thấy có không ít học sinh nhận thức chưa được tốt về các công trình văn hóa lịch sử ở địa phương. Vì vậy, các tác giả cho rằng việc tổ chức giáo dục cho học sinh, đặc biệt là giáo dục ngoại khóa với những hình thức sinh động, hấp dẫn là rất cần thiết. Đáng chú ý là một số biện pháp, kiến nghị do chính các em đề xuất gây được sự chú ý khá tích cực. Có thể tóm tắt như sau.
Học sinh Trường THCS Ân Mỹ, huyện Hoài Ân lao động chăm sóc di tích Đồi 174.
Thứ nhất, các công trình có giá trị văn hóa lịch sử ở Hoài Ân nên được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường THCS, đặc biệt phải là nội dung quan trọng trong cuộc thi “Rung chuông vàng” với nội dung “Tự hào mảnh đất Hoài Ân anh hùng”. Bên cạnh đó, hàng tháng các trường nên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề liên môn - Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn. Môn học Âm nhạc lồng ghép dạy các bài hát truyền thống của địa phương, môn Mỹ thuật cho các em vẽ đề tài các di tích lịch sử của Hoài Ân.
Thứ hai, tổ chức để học sinh có những hình thức tham gia bảo vệ di tích thích hợp, giàu tính sáng tạo, thiết thực như: Dọn vệ sinh khu di tích; tuyên truyền, thuyết trình ngay tại di tích để vừa nâng cao ý thức bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử vừa tăng tính hấp dẫn để lôi cuốn học sinh.
Thứ ba, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức thông qua xây dựng chương trình phát thanh học đường với chủ đề: “Giáo dục truyền thống yêu quê hương” phát trên loa của trường vào các ngày thứ Tư hàng tuần khoảng 15 phút vào giờ giải lao giữa buổi học.
Nói về hiệu quả thực tế sau khi thực hiện đề tài, thầy Phạm Minh Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ân Mỹ, xác nhận: Trước tiên, là một người thầy, tôi vui mừng vì học trò của mình thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến quê hương mình. Không chỉ vậy, các em còn muốn truyền cảm hứng để bạn bè mình cùng có những niềm vui, kiến thức cần thiết về văn hóa, lịch sử địa phương. Từ việc thực hiện đề tài, nhận thức của các em đã thay đổi tích cực. Đồng thời hành vi ứng xử với di tích văn hóa lịch sử địa phương cũng có nhiều biến đổi tích cực. Một số kiến nghị, đề xuất của em đã được cho áp dụng, điển hình là chương trình phát thanh “Giáo dục truyền thống yêu quê hương”.
NGUYÊN TÂM