Ghềnh Ráng trong tâm thức Quy Nhơn
Tùy bút
Trong tâm thức Quy Nhơn, Ghềnh Ráng hiện hữu như một biểu tượng tráng lệ cho vùng đất vốn nổi tiếng với nhiều cơ duyên văn hóa lịch sử.
Bãi tắm Hoàng hậu, bản giao hưởng thiên nhiên
Không phải ngẫu nhiên khi nhắc về Quy Nhơn, trong hồi ức của đại đa số du khách đã từng đặt chân lên mảnh đất này sẽ hiện ra cái tên Ghềnh Ráng. Cũng không phải ngẫu nhiên, thi sỹ tài hoa Hàn Mặc Tử đã chọn nơi đây trở thành quê hương thứ hai, nơi ông sống những tháng ngày bệnh tật với trăng, với biển để viết nên những vần thơ kiệt tác.
Khu du lịch sinh thái Ghềnh Ráng Tiên Sa
Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, di chuyển về hướng Tây Nam khoảng 2km, bạn sẽ bắt gặp Ghềnh Ráng, tên gọi của phần triền núi Xuân Vân đoạn ôm sát biển. Nơi đây hiện tại, đã trở thành khu du lịch sinh thái với cái tên thơ mộng mang nội hàm cổ tích: Ghềnh Ráng Tiên Sa. Tuy vậy, với những người con xứ sở hoặc những du khách đã trót phải lòng vùng đất này độ một thập niên trước, cái tên Ghềnh Ráng vẫn in sâu vào tâm khảm.
Đi bộ dọc theo triền đồi, khung cảnh hai bên hút vào tầm mắt. Một bên những trảng cỏ và cây xanh tự nhiên, một bên là vòng cung thành phố ôm sát biển, du khách đặt chân đến đây dễ có một cảm giác khác lạ chưa từng gặp qua ở đâu, khi bản giao hưởng thiên nhiên được xướng lên bởi núi và biển. Và hồi âm sóng trắng…
Dọc theo triền đồi, khung cảnh núi và biển hút vào tầm mắt
Từng đợt sóng trắng đập vào bờ đá, nơi khi xưa hoàng hậu Nam Phương đã từng hòa mình cùng biển. Bãi đá với hàng vạn viên đá tự nhiên hình trứng chim được làn nước trong xanh gọt giũa và tẩy trần, tựa hồ từ muôn ngàn năm, đây là nơi kết tổ của ức vạn thiên cầm. Qua trào cuộn bể dâu, chiếc tổ hạnh phúc khổng lồ hóa thạch bên mạn biển xanh, như tín điệp của sinh nở và hạnh phúc. Chẳng vậy mà vị vua phong lưu Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đã chọn nơi đây làm hành cung mùa hè, để lưu lại cái tên ngọt ngào đến mềm lòng: bãi tắm Hoàng Hậu.
Bãi tắm Hoàng Hậu
Không nơi nào ngắm bình minh hay hoàng hôn Quy Nhơn lý tưởng như nơi này, khi đứng ngay trên đỉnh ghềnh, đồi, bạn sẽ thu cả thành phố Quy Nhơn vào tầm mắt. Vòng cung thành phố dù tinh mơ hay chạng vạng, trong cái ráng trời nền nã sẽ khiến du khách chỉ ước ao có thể lưu giữ khoảnh khắc vĩnh hằng thiên nhiên ấy vào trong chiếc máy ảnh cầm tay.
Xuân Vân là dãy núi đối ngẫu với dãy Phương Mai cũng nhoài ra biển. Nếu Mặt Trời mọc trên núi Phương Mai gieo niềm hy vọng mở đầu, thì những ráng mây chiều ở ghềnh núi này lại trao cho con người cảm giác thảnh thơi. Từ Ghềnh Ráng có thể thấy những cái trở mình nũng nịu của nữ thần Mặt Trời trên cánh tay Phương Mai lúc rạng sáng.
Đồi Thi Nhân, nơi níu chân tao nhân mặc khách
Nhưng Ghềnh Ráng không chỉ là bản giao hưởng thiên nhiên, hãy lắng tai nghe những câu thơ tài hoa đồng vọng của chàng thi sỹ Hàn Mặc Tử: “Họ đã xa rồi khôn níu lại/ Lòng thương chưa đã mến chưa bưa/ Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” hay “Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ…” sẽ thấy một hình ảnh khác của vùng đất này. Một Ghềnh Ráng hiện hữu với đầy vẻ khoan dung độ lượng, chở che cho tâm hồn thi sỹ bế tắc đớn đau của Hàn Mặc Tử. Chàng trai trẻ chưa bước qua tuổi 30 Nguyễn Trọng Trí - Hàn Mặc Tử ấy, đã náu thân mình lại bên một trảng cỏ xanh, bờ cát trắng, để rồi, những cơn gió ngàn xưa cứ vọng về dư ba của biển, của trăng…
Câu chuyện về cuộc đời huyền thoại của chàng thi sỹ tài hoa ấy, đã đi vào lòng bao thế hệ và làm nên những cơ duyên thú vị cho nơi này. Trong hồi ức của cố thi sỹ Quách Tấn, Hàn Mặc Tử mất trong một đêm trăng tại trại phong Quy Hòa. Chính tác giả “Mùa cổ điển” sau khi nhận hung tin đã thăm bạn mình an nghỉ bên một kè đá cạnh biển, trồng cây đặt đá đánh dấu. Địa điểm ngôi mộ cũ này được vợ chồng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tác giả bản nhạc bài hát nổi tiếng về Hàn Mặc Tử “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa...” cảm mến, thực hiện công trình kiến trúc tưởng vọng năm 1991. Còn mộ Hàn Mặc Tử từ nơi này được Quách Tấn và gia đình Hàn cải táng ở địa điểm hiện tại từ năm 1959. Cảm thương chàng thi sỹ tài hoa bạc mệnh, cũng như lưu dấu một cuộc đời huyền thoại đã từng gắn bó với Ghềnh Ráng- Tiên Sa, ngôi mộ ấy đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn với bất kỳ ai đặt chân đến đất Quy Nhơn. Năm tháng mây bay, Hàn Mặc Tử vĩnh viễn hòa trong bài ca biển núi.
Mộ Hàn Mặc Tử
Nói như Chế Lan Viên, một bạn thơ thân thiết trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu ở Bình Định xưa: “Bây giờ, Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Ghềnh Ráng, đối diện với bể Đông, bể chói lòa như thơ Anh và giông bão tựa đời Anh, nằm với trăng sao như Anh từng mơ ước: “Với sao sương anh nằm chết như trăng”. Dưới kia là thành phố Quy Nhơn (những thành phố miền Trung thường có các nhà thơ ở trong và biển ở mé ngoài)”.
Ngày nay, người ta gọi ngọn đồi nơi Hàn Mặc Tử nằm là Đồi Thi Nhân, con dốc dẫn lên ngọn đồi ấy là dốc Mộng Cầm, đặt theo tên của một trong những nàng thơ nổi tiếng lúc sinh thời của chàng thi sỹ. Khúc tráng ca của sóng biển hòa cùng gió núi, trong vằng vặc trăng luôn in dấu đậm nét trong lòng những ai đã đặt chân đến đây, đã trót nâng chén rượu đọc những vần thơ cùng chàng thi sỹ, đã đắm mình vào làn nước mát xanh khi xưa Hoàng hậu tẩy trần. Khúc tráng ca ấy sẽ còn vang vọng mãi, như cái tên Ghềnh Ráng luôn vang vọng trong tâm thức Quy Nhơn.
Nguyễn Trần Khải Duy