Doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu trực tuyến
Dựa trên nền tảng “số”, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ có nhiều hoạt động, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia.
Sự kiện đầu tiên phải kể đến là “Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa chuyên đề nông sản, thực phẩm” do Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp cùng Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức, cách đây gần 1 tháng.
Theo kế hoạch ban đầu, chương trình dự kiến có khoảng 60 - 80 doanh nghiệp tham gia, nhưng sau đó, con số thực tế đạt gấp đôi. Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: chè, cà phê, hạt điều, gạo, ngô, sắn, rau quả, đồ uống … đã được các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đón nhận, giao dịch đặt hàng với tổng giá trị hợp đồng ước tính 88 triệu USD.
Sự kiện cho thấy, xuất khẩu trực tuyến là bước đi hiệu quả trong tình thế cả 2 nước đều nỗ lực chống dịch. Nói vậy không có nghĩa, chỉ khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp - cách thức giao thương truyền thống đối tác gặp đối tác hoàn toàn không thể thực hiện, xuất khẩu trực tuyến mới được đón nhận hay thúc đẩy.
Nhiều hoạt động xuất khẩu trực tuyến sắp diễn ra sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt vươn ra nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định: “Nhận biết được ý nghĩa, vai trò của thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, đặc biệt trong hoạt động ngoại thương xuất khẩu, 2 năm qua, Bộ Công Thương đã có các hoạt động hợp tác với Amazon và ngày 4.12.2019 đã ký biên bản ghi nhớ để cùng nhau hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, các hoạt động này đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ và các thị trường khác trên toàn thế giới. Bước đầu có những bỡ ngỡ, lạ lẫm, bối rối nhưng kết quả đã rất đáng khích lệ, bền vững và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này”.
Trên tinh thần đó, từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tổ chức nhiều sự kiện tương tự, tạo cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa, thương hiệu Việt vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia.
Có thể kể đến 3 sự kiện, đó là: “Hội nghị Giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Vân Nam, Trung Quốc” dự kiến diễn ra trong ngày 26 - 27.5; trước đó là “Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam - Singapore” và “Hội nghị giao thương trực tuyến: Xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam - Hoa Kỳ hậu Covid 19 diễn ra từ 28-30.5. Cơ hội xúc tiến thương mại - xuất khẩu trực tuyến cho các cá nhân, doanh nghiệp đang vô cùng thuận lợi. Điều quan trọng là các cá nhân, doanh nhân nào có thể tận dụng được thời cơ-lợi thế này.
Ông Vũ Tấn Cương - Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử nhấn mạnh: “Thương mại quốc tế như vậy có rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn như chúng ta phải đảm bảo rất nhiều điệu kiện về thanh toán quốc tế, các vấn đề vận chuyển hàng hóa-logistics, vấn đề thông quan”.
Xuất khẩu trực tuyến, rõ ràng, không chỉ là cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp muốn mua-bán hàng hóa xuyên biên giới. Đây còn là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành vận tải logistics nếu muốn trở thành đối tác tiềm năng lâu dài của hoạt động thương mại này.
Bà Nguyễn Phương Hạnh - Phụ trách xuất khẩu đường biển, công ty Vinalink Logistics nhìn nhận: “Chúng tôi đang vận chuyển bằng đường biển cho cá nhân, doanh nghiệp chủ yếu ở thị trường Mỹ. Trước đây đi từ Trung Quốc rất nhiều, nhưng 3 năm gần đây, do chính sách thương mại thay đổi, thị trường Mỹ hướng sang Việt Nam, nên lượng hàng của Việt Nam đi Mỹ rất là nhanh và chủ yếu tăng mạnh các mặt hàng như thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm made in Việt Nam thực sự. Với tư cách là 1 doanh nghiệp logistic, biết việc vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ không dễ nên rất muốn có tham gia vào quá trình này và có thể hỗ trợ các doanh nghiệp với mức chi phí thấp nhất có thể, hy vọng có sự liên kết giữa các doanh nghiệp để tư vấn cho doanh nghiệp, ví dụ giấy tờ nên khai cái gì, thuế, hải quan sẽ như thế nào”.
Từ nhu cầu thực tiễn đó, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm ứng dựng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến thương mại, Bộ công thương khẳng định, các doanh nghiệp muốn thành công trong hoạt động Xúc tiến thương mại, xuất khẩu trực tuyến, cần tìm hiểu kỹ về các quy định của pháp luật đối với hình thức kinh doanh này - cần hiểu biết pháp luật, hiểu biết nhu cầu sản phẩm, có khả năng ngoại ngữ khi giao thương trực tuyến… Những điều kiện cần đó sẽ hỗ trợ đắc lực cho từng cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dần dần, bền vững, tiến tới hòa cùng xu hướng xuất khẩu trực tuyến toàn cầu, phát triển thương hiệu doanh nghiệp Việt và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Theo Thu Trang (VOV1)