Ngư dân Bình Định vững tin bám biển
Xem lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Ðông do Trung Quốc đơn phương ban hành là bất hợp pháp, không có hiệu lực, các cơ quan Trung ương và tỉnh Bình Ðịnh đã động viên ngư dân trong tỉnh vững tin bám biển, sản xuất bình thường trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 1.5, Trung Quốc ra thông báo phi lý về lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, trong thời gian từ ngày 1.5 đến ngày 16.8.2020.
Tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn vươn khơi bám biển.
Động viên ngư dân bám biển
Ngày 4.5, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ; Bộ NN&PTNT; Bộ Ngoại giao; Ban Đối ngoại Trung ương phản đối phía Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Đến ngày 11.5, Bộ NN&PTNT đã ra thông báo nêu rõ lệnh tạm dừng đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp, không có giá trị. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành ven biển trong cả nước động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam.
“Cục Kiểm ngư đã tham mưu Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao và các tỉnh, thành ven biển đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân bám biển sản xuất theo mùa vụ trên các vùng biển của Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp luật pháp quốc tế. Lực lượng Kiểm ngư sẽ tăng cường phối hợp với BÐBP, Hải quân, Cảnh sát biển và các lực lượng chấp pháp khác để hỗ trợ cho ngư dân trong quá trình KTTS trên biển. Tăng cường mối quan hệ đoàn kết, phối hợp giữa ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Ông LƯU VĂN HUY, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT)
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: “Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là không có giá trị, trái với luật pháp quốc tế. Việt Nam có cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền các vùng biển tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngành Thủy sản tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy sản (KTTS). Đồng thời khuyến cáo ngư dân khi hoạt động trên biển nên đi theo tổ, đội để sẵn sàng hỗ trợ nhau; tránh va chạm với các hành động gây hấn của phía Trung Quốc”.
Vừa cho tàu cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm sau 25 ngày KTTS tại ngư trường quần đảo Trường Sa, ngư dân Nguyễn Ninh, ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 96473 - TS, khẳng khái: “Tôi có nghe về cái lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc. Tàu tôi lâu nay ra biển có nhiều lần đối mặt với hành động gây hấn của tàu cá, tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc mà chúng tôi còn chẳng sợ, huống chi cái lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của họ. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, là ngư trường truyền thống của ngư dân Bình Định, chuyến biển tới đây, tàu tôi sẽ vươn khơi KTTS tại vùng biển Hoàng Sa”.
Bên cạnh việc động viên ngư dân bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân hoạt động đúng ngư trường, không vi phạm pháp luật. Ngư dân Ngô Đức Lai, ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 93480 - TS, làm nghề câu mực, thẳng thắn: “Biển của nước mình thì mình có quyền chạy tàu, đánh bắt cá, không một quốc gia nào có thể cấm ngư dân Việt Nam KTTS trên vùng biển của nước mình. Chúng tôi chẳng quan tâm gì tới cái lệnh cấm phi lý của Trung Quốc. Chúng tôi cũng mong muốn lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam tăng cường tuần tra trên biển để kịp thời hỗ trợ, xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra, bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển”.
Tăng cường hỗ trợ ngư dân
Cùng với việc quản lý, giám sát tàu cá theo quy định, ngành chức năng tỉnh ta đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp số điện thoại, địa chỉ của cơ quan chức năng để ngư dân liên hệ khi gặp sự cố. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Võ Đình Tâm khuyến cáo: “Bà con ngư dân phải bình tĩnh, không có hành vi quá khích hoặc sợ hãi khi bị tàu nước ngoài gây hấn hoặc tấn công, kiểm soát hay bắt giữ, phải có hình thức ghi lại và bảo vệ các chứng cứ khi gặp các trường hợp nêu trên. Đồng thời chấp hành các quy định pháp luật, không KTTS vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, hành động đơn phương ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc đã gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế. Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động đơn phương, không có giá trị pháp lý nêu trên của phía Trung Quốc.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Hội đã có văn bản gửi các hội nghề cá, hội thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển để phối hợp các Sở NN&PTNT, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân vững tin bám biển trước quy chế cấm đánh bắt cá năm 2020 của Trung Quốc. Kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng để hỗ trợ, bảo vệ cho ngư dân; tổ chức việc cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân khi gặp sự cố trên biển; kịp thời thông tin về những vụ việc mà lực lượng nước ngoài gây cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN