Phát triển OCOP gắn với du lịch: Gia tăng giá trị bền vững
Năm 2019, tỉnh ta có 51 sản phẩm được công nhận theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tiếng Anh là One Commune, One Product- viết tắt là OCOP). Ðể tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, nhiều địa phương phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch.
Rượu đậu xanh được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Tây Sơn. Nguồn: Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn
Với lợi thế là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, kết nối xây dựng thành trung tâm du lịch phía Tây tỉnh, huyện Tây Sơn chú trọng công tác đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch mới. Cùng với đó, huyện kết hợp phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương. Đến nay, huyện Tây Sơn có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP gồm: Rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (HTXNN Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong), rượu đậu xanh (xã Bình Tường) và bánh ít lá gai (xã Tây Bình).
Ông Trần Văn Lượng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: “Sản phẩm OCOP của huyện Tây Sơn chưa nhiều, để phát triển các sản phẩm này và nâng giá trị lên là rất khó. Để gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, không thể chạy theo số lượng, chúng tôi nghĩ định hướng để sản phẩm OCOP chuyển thành sản phẩm phục vụ du lịch mới là hướng đi phù hợp. Chẳng hạn, với mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTXNN Thuận Nghĩa sẽ đưa vào khai thác phát triển thành điểm du lịch trải nghiệm làng rau. Với rượu đậu xanh và bánh ít lá gai phát triển thành sản phẩm để du khách mua làm quà. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng huyện hỗ trợ HTX, hộ sản xuất sản phẩm OCOP kỹ thuật, chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác”.
Đề án phát triển du lịch 4 huyện phía Bắc tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt đã mở hướng giúp các địa phương chọn ra các mô hình phù hợp để phát triển du lịch. Nhạy bén đón đầu cơ hội này, UBND huyện Hoài Ân đã quy hoạch và phát triển các cây trồng thế mạnh; xây dựng các vùng trồng cây ăn trái quy mô lớn hướng tới việc hình thành mô hình du lịch nhà vườn tại địa phương. Từng bước định hình phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái bền vững. Chính quyền các cấp của huyện tích cực hỗ trợ người dân kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, để nâng cao giá trị cho sản phẩm, tạo điểm dừng chân du lịch sinh thái nông nghiệp trong tour - tuyến về các huyện phía Bắc tỉnh.
Sản phẩm OCOP bưởi Hoài Ân được công nhận nhãn hiệu tập thể. Nguồn: Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, phân tích: “Thế mạnh của Hoài Ân là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Khi tham mưu cho UBND huyện xây dựng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2020, chúng tôi tính đến việc gắn OCOP với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, là thế mạnh của huyện theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Lúc Chương trình OCOP chạy đều, chúng tôi hỗ trợ để tăng thêm giá trị nhờ đưa vào phục vụ du lịch ở địa phương, gắn theo đề án phát triển du lịch 4 huyện phía Bắc đã được UBND tỉnh phê duyệt”.
Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, phục vụ du lịch được xem là nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến nhiều ngành. Do đó, UBND huyện Hoài Ân giao cho các phòng, ban chuyên môn tùy vị trí của mình, tất cả cùng tham gia đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cho sản phẩm OCOP. Xúc tiến xây dựng nhãn mác, bao bì, thiết kế phù hợp và tiến tới công nhận quyền bảo hộ công nghiệp cho các sản phẩm OCOP của huyện, được như vậy giá trị của OCOP vừa cao vừa bền vững. Năm 2019, Hoài Ân có 3 sản phẩm OCOP gồm trà Gò Loi, bưởi Hoài Ân và nem chả Ngọc Liễu. Năm 2020, Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân làm hồ sơ công nhận thêm 4 sản phẩm OCOP, đang chờ kết quả đánh giá từ Chi cục HTX & Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT).
Theo ông Phan Thành Giản, Chi cục trưởng Chi cục HTX & Phát triển nông thôn, đơn vị đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch năm 2020 sẽ tổ chức các phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các phiên chợ có thể được tính toán và tổ chức thời gian tới. Cùng với đó, đơn vị có cán bộ phụ trách theo dõi riêng lĩnh vực này để hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện công nhận sản phẩm OCOP.
● Trong chuyến khảo sát tour du lịch tại làng rau Thuận Nghĩa tôi đã gợi ý, địa phương nên quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm lưu niệm du lịch, trong đó kết hợp cho du khách được trải nghiệm. Rau Thuận Nghĩa khó có thể trở thành quà tặng nhưng lại là nơi dễ trở thành điểm lưu trú theo mô hình homestay rất phù hợp.
Bà TRƯƠNG THị KIM LOAN, Trưởng phòng kinh doanh - Saigontourist Quy Nhơn
● Trong kế hoạch xúc tiến, quảng bá sản phẩm địa phương năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) lên kế hoạch lựa chọn và xây dựng các điểm bán hàng Việt ở các địa phương, trong đó có gian hàng dành riêng cho các sản phẩm OCOP. Ðiểm bán hàng Việt được tính toán xây dựng phù hợp, trở thành điểm dừng chân cho du khách khi về địa phương, tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP. Qua đó, Trung tâm đã làm việc với huyện Tây Sơn, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn để xúc tiến kế hoạch triển khai.
Bà NGUYỄN THỊ QUỲNH MAI, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại
THU DỊU