Hào hứng bi sắt Tam Quan Bắc
Nói tới bi sắt, rất nhiều người không nghĩ đó là tên của một môn thể thao, dù nó từng xuất hiện ở các kỳ SEA Games. Nhưng ở Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), môn này đang phát triển khá mạnh, thu hút đông đảo thanh niên, trung niên tham gia.
Bi sắt tạo sức hút đặc biệt với nhiều thanh niên, trung niên ở Tam Quan Bắc.
Nhờ một người dân chỉ đường, tôi đã len vào con hẻm nhỏ ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc để tìm đến nhà anh Đỗ Thành Lĩnh, nơi được cho là có số người chơi bi sắt đông nhất xã. Hơn 11 giờ trưa, ngoài trời nắng như rang, nhưng khi vừa tới cổng nhà anh Lĩnh đã nghe những tiếng hò reo, xen lẫn tiếng “cộc, cộc” của những viên bi sắt chạm nhau. Phía trong, hơn 30 người đàn ông ở độ tuổi 30 - 40 quây quanh 2 sân, tập trung vào từng đường bi, bàn tán về những cú ném.
Bi sắt (tên quốc tế là pétanque) xuất hiện ở Pháp cách đây hơn 120 năm và du nhập vào Việt Nam từ những năm 1940. Bi sắt được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games vào năm 2001 ở Malaysia.
Biết tôi tìm hiểu về môn bi sắt, anh Đỗ Thành Lĩnh nhiệt tình giải thích sơ bộ về cách chơi: Môn này có thể thi đấu đơn, đôi và đồng đội (3 người). Mỗi người có 2 viên bi, khi ném phải cố gắng canh chỉnh lực và độ chính xác để làm sao càng gần bi chủ càng tốt (bi chủ là một vật tròn, nhỏ bằng đầu ngón tay cái, thường được người chơi gọi là “con heo”). Thông thường, khi thi đấu một đội thường có người chuyên “vô bi” (ném bi lăn gần “con heo”), một người chuyên phá bi (ném bi mình trúng bi đối phương để bắn bi họ ra xa). Nói chung, đây là môn thể thao khá đơn giản, như một dạng trò chơi dân gian, nhưng cũng có tính đồng đội, chiến thuật và cần sự chuẩn xác, cảm giác về mặt sân tốt mới có thể giành được điểm.
Tốt nghiệp Trường ĐH Hàng Hải nhưng vì nhiều lý do, anh Lĩnh quay sang mở tiệm sửa chữa điện thoại di động. Vốn ít, việc cũng không đều nên tận dụng khoảnh sân trống anh mở sân bi sắt để “kiếm tiền chợ”. Anh Lĩnh cho hay: “Tôi mở sân bi sắt này đã được 5 năm, hiện nay cả xã có 4 cụm sân, mỗi cụm đều có 2 sân. Tổng số người chơi bi sắt ở xã khoảng gần 200 người, chủ yếu ở lứa tuổi 20 - 50. Thông thường họ chơi từ 10 giờ sáng đến 16 - 17 giờ chiều, có khi ghiền quá kéo đến 23 giờ đêm. Một bộ bi 3 viên có giá khoảng 4 triệu đồng, mỗi sân cần 4 bộ để khi thi đấu nội dung đồng đội có đủ cho các “bi thủ””.
Sân thi đấu bi sắt tiêu chuẩn có kích thước 15 m x 4 m, thường được rải cát, sỏi nhỏ. Trong quá trình thi đấu, mặt sân liên tục thay đổi sự lồi lõm, nên người chơi phải quan sát, canh chỉnh kỹ mới đạt được độ chính xác cao. Hiện nay, anh Mai Tiến được cho là người có khả năng thi đấu bi sắt xuất sắc nhất ở thôn Thiện Chánh 2, đồng nghĩa với việc nằm trong nhóm những bi thủ hàng đầu của Tam Quan Bắc. Nhưng người được nhiều bi thủ Tam Quan Bắc “tôn sùng” nhất ở khả năng chơi bi sắt là ông Nguyễn Hùng. Hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu, mỗi khi về quê, ông Hùng (hiện gần 60 tuổi) vẫn thường ra sân bi sắt để chỉ cho thanh niên những kỹ thuật, cách ném chính xác.
Nghỉ tay sau một séc thi đấu, anh Hồ Khương (ở thôn Thiện Chánh 2) cho biết: “Nhiều người trong số chúng tôi được biết và chơi bi sắt khi đi biển, rồi vào nghỉ ngơi Vũng Tàu. Sau đó, khi về địa phương, biết ở Vĩnh Tuy (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) có sân nên chúng tôi cũng sang đó chơi. Từ khi Tam Quan Bắc có sân, cứ sau mỗi chuyến biển chúng tôi lại chọn môn này để giải trí. Coi vậy chớ chơi bi sắt cũng giúp cải thiện sức khỏe, bởi thi đấu phải đi lại nhiều, mỗi viên bi nặng gần 7 lạng nên cần lực tay tốt, chưa kể phải thường xuyên… cúi xuống nhặt bi”.
Việc người dân tham gia một môn thể thao một cách tự phát cũng tạo nên nét thú vị ở Tam Quan Bắc. Tuy nhiên, để phong trào lan rộng hơn, có sự đi sâu vào chuyên môn hơn vẫn cần có những giải đấu được tổ chức định kỳ. Và biết đâu trong số những người chơi phong trào này, lại phát lộ những tài năng, đủ sức tranh chấp huy chương ở giải quốc gia và cả ở đấu trường SEA Games.
HOÀNG QUÂN