Nhơn Lý
* Tản văn của TRẦN THỊ THẮM
Làng chài Nhơn Lý gắn bó với tôi từ những ngày còn thơ ấu. Cuộc mưu sinh của hai mẹ con tôi bắt đầu từ khi trời còn chưa tỏ mặt người, mẹ thức dậy trước để chuẩn bị đầy đủ thau, rổ, đôi quang gánh… cho buổi đi chợ. Tôi thức dậy sau, kịp khoác thêm chiếc áo cho đỡ lạnh. Thông thường, tôi và mẹ sẽ tranh thủ đến bến cá sớm hơn để xách những thùng nước biển chuẩn bị sẵn trước khi thuyền cập bến. Ngày đó, bến cá Nhơn Lý khá hoang sơ, chỉ là bãi biển xanh với hàng cát trắng chạy dài. Bây giờ, bến cá được xây dựng khang trang hơn. Ghe tàu có thể ra vào tận nơi, không giống như trước đây muốn đưa cá vào bờ ngư dân trung chuyển bằng thuyền thúng.
Nhơn Lý. Tranh của họa sĩ VŨ HOÀNG TUẤN
Thuyền vừa cập bến cũng là lúc những giỏ cá tươi được đưa lên bờ. Biển đang được mùa cá cơm tươi. Mọi người xúm lại, tranh nhau để chọn mua cho mình những giỏ cá ngon ưng ý. Mẹ và tôi cũng chen vào đám đông. Vợ chủ thuyền đã đợi sẵn và chuẩn bị giấy bút để ghi lại số lượng các giỏ cá. Cuộc thách giá, ngã giá giữa chủ thuyền với người mua diễn ra trong tích tắc; phải nhanh để cá tươi còn kịp đến chợ. Mẹ tôi cũng nhanh tay mua được giỏ cá mình ưng ý, vì nếu lỡ chần chừ chậm chân một chút thôi là sẽ không còn cá để mua.
Trên đoạn đường phụ mẹ gánh cá mang ra chợ bán, tôi ngửi được mùi thơm của cá từ các lò hấp, mùi tanh nồng của cá cơm mới phơi. Những con cá cơm sau khi được phơi khô hoặc hấp chín sẽ được các thương lái mang sang các tỉnh xa để bán. Khắp làng chài còn phảng phất hương thơm của một loại nước mắm nồng nàn hương vị của riêng Nhơn Lý. Nó đậm đà, nồng nàn, vướng vít lòng tôi để mỗi lần đi xa quê, khiến tôi luôn nhớ mà lần theo tìm về. Sau thời gian dài buôn bán ở làng chài, mẹ tôi học được cách muối nước mắm từ những con cá cơm. Tôi theo mẹ buôn bán từ nhỏ nên cũng biết được các công đoạn để làm ra những chai nước mắm hấp dẫn.
Làng chài Nhơn Lý có nhiều ngôi nhà xưa, tường rêu nhuốm màu thời gian, cùng các ô cửa sổ sơn xanh và hàng hoa giấy trước cổng. Ngắm những ngôi nhà này từ xa, tôi tưởng như mình đang trôi từ từ vào một xóm làng cổ xưa nào đó, huyền hoặc như cổ tích. Những ngôi nhà nằm san sát nhau, được xếp lớp từ thấp lên cao, có khi đang đi bên hiên nhà này nhưng cảm giác trên đầu lại là sân nhà người khác. Chúng được nối bởi những con đường nhỏ hẹp, quanh co, ngoằn ngoèo giống như mê cung. Cuối những đoạn hẻm dốc và hẹp là màu xanh của biển, tô điểm thêm những con sóng bạc đầu.
Mưu sinh ở Nhơn Lý, mẹ học được cách làm món gỏi cá cơm để về trổ tài cho cả nhà. Sẵn mùa cá cơm tươi, mẹ để dành ít cá về làm gỏi. Mẹ chọn những con cá cơm than to và tươi ngon nhất, bỏ đầu, ruột, xương cá rồi rửa sạch. Sau đó, cho cá vào tô nước chanh pha loãng, ngâm đến khi thân cá ngả màu trắng rồi vớt ra, để ráo. Trong lúc mẹ sơ chế cá, tôi phụ mẹ thái mỏng hành tây rồi trộn cùng với giấm, đường, nước cốt me. Gỏi cá ngon hay không nằm ở cách pha nước lèo rưới lên thân cá. Điểm đặc biệt để tạo nên hương vị đặc trưng chính là nước lèo được làm từ chính đầu, ruột và xương của cá cơm. Đem tất cả chúng hòa với một ít nước rồi luộc, lọc lấy nước cốt, thêm vào tỏi, hành phi cùng sốt cà chua thái nhuyễn, nêm nếm vừa ăn. Cuối cùng, trộn cá tươi với đậu phụng rang, hành tây cắt nhỏ cùng ít rau thơm, rau quế và vài lát ớt mỏng. Nước chấm thơm lừng có tỏi, ớt, gừng được pha từ nước mắm Nhơn Lý mẹ làm. Gỏi cá cuốn bánh tráng cùng rau sống, cả nhà ai cũng thích ăn.
Nhơn Lý của tôi, không chỉ là nơi mẹ tôi tất tả mưu sinh, mà ở đó, phần tôi học được có khi nhiều chẳng kém gì từ trường lớp, chỉ có điều nếu có điều kiện, nếu có thể chắc chẳng bố mẹ nào muốn con cái tích lũy kiến thức, kỹ năng sống như tôi đã từng. Nhưng tôi luôn biết ơn Nhơn Lý, sự chân chất, mộc mạc của làng chài đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, dẫn dắt tôi thành người lương thiện, thêm yêu hơn quê hương xứ sở, yêu biển cả mênh mông.