Chiến thắng An Lão và bài học lịch sử
Huyện An Lão vừa tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 49 năm chiến thắng An Lão (7.12.1964-7.12.2013), Báo Bình Định xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Đinh Bá Hòa về ý nghĩa và bài học lịch sử chiến thắng oanh liệt này của quân và dân ta.
Huyện An Lão nằm về phía tây bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 115 km. Chiến dịch giải phóng An Lão là một sự kiện lớn trên chiến trường khu 5, cùng với chiến thắng Bình Giã ở Nam bộ đã làm phá sản hoàn toàn chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận” trong “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy. Chiến dịch An Lão đánh dấu một bước phát triển của bộ đội chủ lực Quân khu 5, mở ra nhiều vấn đề rất cơ bản về xác định đối tượng, mục tiêu tư tưởng chỉ đạo tác chiến, cách đánh vận động của chủ lực.
An lão là nơi định cư của đồng bào dân tộc thiểu số Bahna, H’re và người Kinh. Trong kháng chiến, An Lão từng là căn cứ của Khu 5 và Tỉnh ủy, huyện ủy, nên địch xác định vùng đất này là một trong những trọng điểm đánh phá của chúng ở chiến trường Bình Định. Để ly gián quần chúng với cách mạng, bọn địch đã thực hiện gom 15.000 dân từ các làng ở các xã về sống chung quanh quận lỵ và một số khác sống ven đường 56 (nay là 639). Nhằm biến An Lão thành một khu vực phòng thủ, địch đã xây dựng ở đây cụm phòng thủ liên hoàn bao gồm 1 chi khu quận lỵ với 3 cứ điểm và 8 ấp chiến lược .
Về phía quân ta, để tạo điều kiện đưa phong trào lên một mức cao hơn, đồng thời gây dựng rèn luyện bộ đội chủ lực theo phương hướng tác chiến tập trung “làm cho vai trò chủ lực ngày càng giữ địa vị quyết định trên chiến trường (N.Q.TW 9), tháng 12.1964 Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch tiến công An Lão.
Lực lượng ta trong chiến dịch An lão gồm Trung đoàn bộ binh 2 và tiểu đoàn đặc công 409 của quân khu, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương. Mở màn chiến dịch, đó là trận đánh tiêu diệt cao điểm núi Một - một chốt điểm quan trọng của địch nằm ở vị trí cao khống chế cả một khu vực rộng lớn bảo vệ cho quận lỵ. Đúng 1 giờ 5 phút mũi chủ công nổ súng, chỉ trong 15 phút quân địch toàn căn cứ đã bị tiêu diệt và bắt sống, ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Theo hợp đồng tác chiến, các mục tiêu tấn công phải lấy hiệu lệnh từ núi Một làm hiệu lệnh tấn công, vì vậy sau khi tiếng súng phát hỏa, tất cả các cứ điểm đều đồng loạt nổ súng trên một tuyến dài 17 km. Trận hợp đồng tác chiến diễn ra khá nhanh, toàn bộ cứ điểm địch đã tan rã và ta hoàn toàn làm chủ. Như vậy, chỉ trong một đêm ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm của địch, truy bắt tàn quân, ác ôn, tề điệp, giải phóng 8 ấp chiến lược, làm chủ toàn bộ thung lũng An Lão (trừ quận lỵ). Đến 8 giờ sáng 7.12.1964, địch dùng nhiều tốp máy bay đến ném bom cao điểm 193 (núi Một) song trận địa vẫn được giữ vững. Đến 9 giờ 30 phút ngày 7.12, các đơn vị đã hoàn thành việc truy lùng, bắt sống các tên ác ôn, tề điệp. Tối 8.12, Bộ tư lệnh mặt trận họp quyết định kết thúc chiến dịch sau 2 ngày bộ đội ta bám trụ đánh quân tiếp viện của địch.
Kết quả chiến dịch An Lão, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 610 tên địch, trong đó có 142 tên bị chết, có 5 tên Mỹ; 402 tên bị bắt sống (có 125 tên tề điệp, ác ôn), một số tên khác bỏ hàng ngũ trốn chạy. Ta tiêu diệt 2 đại đội bảo an, 12 trung đội dân vệ, 1 trung đội cối 106,7ly, đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn của trung đoàn 40 Cộng hòa ngụy; bắn cháy và bắn hỏng 5 xe M113, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, thu 300 súng các loại. Chiến thắng An lão đã giải phóng 11.000 dân và mở rộng vùng giải phóng nối liền với vùng căn cứ An Lão về phía Nam dài 22 km.
Chiến thắng An Lão đã làm thất bại chiến thuật “Trực thăng vận, thiết xa vận” của Mỹ - Ngụy, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường khu 5.
Đã 49 năm trôi qua, Chiến thắng An Lão vẫn là bài học lớn về nghệ thuật vận dụng chiến tranh chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Ghi nhận về sự hy sinh mất mát của quân và dân Bình Định nói chung, nhân An Lão nói riêng, ngày 18.4.2013 Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Di tích chiến thắng An Lão là Di tích cấp quốc gia trong hệ thống di tích cả nước.
Đánh giá về chiến thắng An Lão đồng chí Lê Duẩn Viết: “Chiến thắng An Lão phối hợp kịp thời với chiến thắng Bình Giã và phong trào chiến tranh du kích toàn miền Nam đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào nguy cơ bị tan rã đưa chiến tranh du kích tiến lên một bước mạnh mẽ. Đối với Khu 5, chiến thắng An lão đánh dấu một bước chuyển biến mới của phong trào”.
TS Đinh Bá Hòa