Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn: Góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào
Từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2019 - 2020, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đã tuyển sinh, đào tạo cho 141 sinh viên từ các tỉnh Nam Lào. Các ngành đào tạo là Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm), Điện công nghiệp, Kế toán DN, Quản trị nhà hàng, Hàn. Trong đó, thu hút nhiều sinh viên nhất là nghề Điện công nghiệp, mỗi năm học có trên 10 sinh viên theo học.
Đáng chú ý, kể từ năm học 2017 - 2018, bên cạnh số sinh viên Lào tuyển sinh theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao, đã có những sinh viên theo học tự túc. Trong 3 năm học gần đây, tổng cộng đã có 13 sinh viên theo học chế độ tự túc. Và trường đã xem xét, miễn giảm học phí đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Sinh viên Nam Lào theo học tại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn trong giờ thi tốt nghiệp.
Vì ảnh hưởng của đợt lũ lụt từ ngày 3 - 8.9.2019, hoàn cảnh kinh tế của gia đình 2 sinh viên ngành Điện công nghiệp Siphaphan Khomsone và Keovilaisouk Khomsone rất khó khăn. Trên cơ sở đề nghị của Ban Giám hiệu Trường CĐ Nghề kỹ thuật tỉnh Champasak, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đã xem xét, quyết định giảm 70% học phí của năm học 2019 - 2020 cho 2 sinh viên này. 2 sinh viên rất cảm động trước sự quan tâm của nhà trường.
Theo Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn Võ Thị Tuyết Nhung, nhà trường đã ký biên bản ghi nhớ với 4 trường thuộc 4 tỉnh Nam Lào, làm cơ sở để hằng năm xác định thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh. Giữa các trường đều cử đầu mối làm việc thông qua internet nên chủ động trong các hoạt động hợp tác, nắm bắt kịp thời tình hình tuyển sinh, học tập và tốt nghiệp của sinh viên.
“Các sinh viên Lào học tập nghiêm túc, kết quả tốt nghiệp 100% đối với các sinh viên học đến cuối khóa. Khi về nước, các em đều có việc làm ổn định, nhiều em nắm giữ những vị trí quan trọng ở nơi công tác, khiến chúng tôi rất hài lòng. Các em còn nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa thể thao, tạo nên màu sắc mới trong hoạt động của nhà trường. Tình hữu nghị giữa 2 đất nước thể hiện cụ thể qua tình cảm tốt đẹp giữa thầy - trò và tình bạn giữa các em sinh viên”, bà Võ Thị Tuyết Nhung chia sẻ.
Từng có 1 năm học tiếng Lào ở nước bạn, cô giáo Vũ Thị Như Thùy (khoa Đại cương) gắn bó đặc biệt với những sinh viên đến từ các tỉnh Nam Lào. Cuối tuần dẫn các em đi chợ, tận tình chăm sóc những lúc ốm đau... Nhẹ nhàng, tâm lý, quan tâm từ những việc nhỏ, những giáo viên như cô Thùy như nhịp cầu kết nối tình hữu nghị giữa Bình Định và các tỉnh Nam Lào nói riêng, Việt - Lào nói chung.
MAI LÂM