Vệ sinh môi trường tại cảng cá đã được chú trọng hơn
Cùng với công tác đẩy mạnh quản lý tàu cá ra vào cảng và hoạt động mua bán thủy sản tại các cảng cá Quy Nhơn, Ðề Gi, Tam Quan, Ban quản lý các cảng cá này đã chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, đem lại hiệu quả.
Cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) được quy hoạch là cảng cá loại I. Từ năm 2012 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, cảng đã đầu tư xây dựng cầu cảng, nhà lồng tại khu vực mua bán thủy sản, hệ thống thu gom và xử lý nước thải... Thời gian qua, Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn thường xuyên triển khai các giải pháp giữ vệ sinh môi trường (VSMT). Khu vực cầu cảng được đơn vị lắp đặt các bảng nội quy; pa nô tuyên truyền Luật Thủy sản và các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU); lắp đặt các thùng rác để ngư dân, chủ nậu, người lao động bỏ rác vào thùng.
Nhân viên Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn thu gom rác thải trên mặt nước tại cảng cá Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Mỗi ngày, tổ VSMT của đơn vị dọn rác, xịt rửa mặt bằng tại cầu cảng, khu vực nhà lồng vào 2 buổi sáng, chiều. Chúng tôi cũng hợp đồng với các công ty vệ sinh để thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải rắn… Riêng nước thải tại cảng sẽ được đưa về khu xử lý nước thải tập trung, còn rác thải dưới mặt nước thì Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn dùng thuyền đi thu gom 2 ngày/lần”.
Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) được công nhận là cảng cá loại II, đã được đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng, nhà lồng, cống ngầm xử lý nước thải… đảm bảo theo yêu cầu. Ông Nguyễn Văn, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Đề Gi, cho hay: “Chúng tôi hợp đồng nhân công dọn vệ sinh, xịt rửa cầu cảng hàng ngày; bố trí thùng rác tại khu vực cầu cảng và cổng cảng để mọi người bỏ rác vào thùng. Khi số lượng tàu thuyền về cảng tăng lên, chúng tôi sẽ cử người phối hợp với công nhân vệ sinh để thu gom rác thải, nước thải tại cảng”. Theo ngư dân Ngô Hồng Khải (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu cá BĐ 93505-TS, nhờ được tuyên truyền thường xuyên, nên ngư dân đều thực hiện quy định bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định.
Đặc thù tại cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) là các điểm bến không tập trung, nên Ban quản lý cảng cá càng nỗ lực hơn trong thực hiện công tác đảm bảo VSMT, tích cực tuyên truyền người dân sống quanh khu vực cảng không xả rác xuống biển, thực hiện đổ rác đúng nơi quy định. Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan, tại 20 điểm bến của cảng, đơn vị đặt thùng rác để ngư dân bỏ rác thải sinh hoạt khi tàu cập cảng; các chủ nậu tự bỏ kinh phí xây dựng hệ thống thu gom nước thải và đặt thùng rác tại điểm bến mua bán thủy sản của họ. Hằng ngày, đơn vị cử cán bộ, nhân viên phối hợp với tổ vệ sinh đi thu gom rác thải sinh hoạt tại các điểm bến. Đối với nước thải và chất thải từ quá trình sơ chế thủy sản, chủ nậu hợp đồng với DN để thu gom, xử lý.
Ông Trần Văn Hồi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến, ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), chia sẻ: “DN chúng tôi xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải để giữ VSMT, tránh gây ô nhiễm trong quá trình sơ chế thủy sản tại cảng cá Tam Quan. Đồng thời, chúng tôi cũng hợp đồng với các chủ nậu tại cảng để mua gom nội tạng thủy sản về chế biến làm thức ăn gia súc”.
Thực hiện kế hoạch chống khai thác IUU:
Đầu tư hơn 900 triệu đồng mua sắm trang thiết bị cho các cảng cá
(BĐ) - Ngày 17.5, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, cho biết: UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt kinh phí hơn 900 triệu đồng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị tại cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) để thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo kế hoạch chống khai thác IUU của tỉnh.
Theo ông Thiện, từ kinh phí hỗ trợ của tỉnh, các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi sẽ được trang bị thêm hệ thống camera để giám sát tàu cá ra vào cảng, hoạt động bốc dỡ, mua bán thủy sản, xác nhận nguồn gốc thủy sản; xây dựng trạm thu nhận tín hiệu VHF để tiếp nhận, lưu trữ lại thông tin báo trước 1 giờ khi tàu cá xuất nhập cảng thông qua hệ thống ICOM trên tàu cá, làm cơ sở trích xuất các thông tin theo dõi hành trình tàu cá. Đồng thời, lắp đặt các bảng đèn led để tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU và thông báo kết quả giải quyết thủ tục xuất nhập cảng cho ngư dân.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN