Mùa khô, ca bệnh sốt xuất huyết vẫn cao!
Số ca bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh đã giảm so với 2019 - năm lập đỉnh dịch, nhưng số mắc vẫn ở mức cao ngay mùa khô năm nay là điều đáng lo ngại.
Số ca mắc ở mức cao, nhiều ca bệnh nặng
Đến ngày 16.5, hai chị em sinh đôi N.T.D.T và N.T.T.T (15 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vẫn phải theo dõi sát bệnh sốt xuất huyết (SXH). Chị Thanh Nga, mẹ của hai bé cho biết, con phát sốt khoảng 5 ngày trước, được gia đình đưa đi bác sĩ khám, mua thuốc điều trị tại nhà. 2 ngày sau, bệnh trở nặng hơn, chị đưa hai bé vào TTYT huyện Tuy Phước, đến 15.5 chuyển viện cấp cứu tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh. Chẩn đoán của các bác sĩ, cả 2 bệnh nhân đều ở giai đoạn chuyển nặng của SXH. Trong đó, N.T.D.T bị sốt, kèm theo rối loạn đông máu, gây nguy cơ xuất huyết; N.T.T.T nặng hơn với triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, tiểu cầu giảm thấp kèm xuất huyết.
Nhân viên Trạm y tế xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) tuyên truyền người dân thôn An Xuyên 1 đậy kín nắp, thau rửa hàng ngày dụng cụ chứa nước để loại bỏ ổ bọ gậy.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim, trực đơn nguyên Hồi sức (khoa Nhi, BVĐK tỉnh), tại khoa đến ngày 16.5 vẫn còn 16 bệnh nhi điều trị SXH trong số 68 bệnh nhân cả khoa. Hiện, SXH diễn tiến phức tạp hơn trong điều trị, nhiều bệnh nhân nặng phải cấp cứu. Bé Phạm Ngọc A. (24 tháng tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là một trong số đó, nhập viện cấp cứu ngày 14.5 với triệu chứng sốt, nôn ói 7 - 8 lần/ngày có kèm ra máu. Tình trạng bệnh ở giai đoạn chuyển nặng, bác sĩ phải can thiệp bù dịch để tránh thoát dịch, gây nguy hiểm cho trẻ.
“Chưa vào cao điểm, nhưng bệnh nhân SXH nhập viện BVĐK tỉnh gia tăng, bình quân 80 ca/tuần; riêng khoa Nhi từ 15 - 25 ca/tuần. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, có biểu hiện sốc, tổn thương gan, tim…”, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cho hay.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đến ngày 16.5, toàn tỉnh ghi nhận 1.675 ca SXH, 1 trường hợp tử vong (TP Quy Nhơn). So với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm bùng phát dịch, số ca SXH năm nay giảm 50%, nhưng vẫn còn ở mức cao và nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Tình hình SXH sẽ phức tạp hơn khi trên địa bàn tỉnh bước vào mùa mưa.
Tác hại từ trữ nước không nắp đậy
Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ… vẫn là những địa phương có số ca mắc SXH cao trong tỉnh.
Tuy nhiên, trong khi các địa phương khác đã giảm tương đối số ca mắc SXH thì Phù Mỹ lại tăng. Xã Mỹ Chánh hiện có 34 ca SXH, tăng hơn 3 lần so cùng kỳ năm ngoái. Xã đã phun hóa chất xử lý 1 ổ dịch, phun hóa chất chủ động ở 5 thôn/250 hộ dân. Nhưng giám sát mới đây tại 30 hộ gia đình ở thôn An Xuyên 3 thì tất cả đều có ổ bọ gậy.
Y sĩ Phan Văn Sơn, phụ trách Trạm y tế xã Mỹ Chánh cho hay, 16/16 thôn của xã đều thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt ở 3 thôn An Xuyên 1, 2, 3, người dân phải mua nước về trữ; nhưng thói quen trữ nước không có nắp đậy tạo ổ bọ gậy sinh muỗi gây bệnh, chưa kể nhiều gia đình xây bể chứa nước nằm sát đất rất khó khăn trong súc rửa, vệ sinh bể.
“SXH là dịch bệnh lưu hành nên hoạt động phòng, chống dịch cũng phải duy trì thường xuyên. Biện pháp phòng, chống dịch thì đơn giản, nhưng thực hiện trong thực tế rất khó khăn vì ổ chứa bọ gậy nằm sâu trong hộ gia đình, chỉ khi người dân chủ động kiểm tra và loại trừ triệt để ổ chứa bọ gậy mới thực sự kiểm soát được véc tơ truyền bệnh”.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính được ông Võ Trí Toại, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT huyện Phù Mỹ) lý giải cho tình trạng SXH có dấu hiệu gia tăng tại 19/19 xã, thị trấn trong huyện. Toàn huyện có 178 ca SXH, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ giảm hơn 10 trường hợp; tập trung ở xã Mỹ Chánh (34 ca), xã Mỹ Cát (33 ca), xã Mỹ Thành (30 ca)… Huyện đã xử lý hóa chất 16 ổ dịch và 8 điểm nguy cơ/5.543 hộ dân và đang xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động tại 19/19 xã, thị trấn. “Chúng tôi đã phối hợp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống SXH, nhưng lâu dài cần giải quyết khó khăn về nước sạch cho người dân, hạn chế việc trữ nước và không đậy nắp bể, chum chứa nước”, ông Toại chia sẻ.
Theo ông Bùi Ngọc Lân, biện pháp phòng, chống SXH cơ bản nhất vẫn là khống chế véc tơ truyền bệnh, nhất là bọ gậy, với phương châm “không có bọ gậy, không có SXH”. Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ triển khai 3 đợt xử lý chủ động, đợt 1 vào đầu mùa dịch (tháng 5 - 6), đợt 2 vào đầu mùa mưa (tháng 8 - 9), đợt 3 vào giữa mùa dịch (tháng 10 - 11).
MAI HOÀNG