Phòng bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp ở những người lớn tuổi và đang có xu hướng ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi. Nếu không được theo dõi và kiểm soát tốt sẽ gây ra các biến chứng điển hình: Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, nhũn não, xuất huyết não, mờ mắt, bệnh động mạch ngoại vi...
Bác sĩ Phan Nam Hùng, Phó trưởng khoa Nội tim mạch (BVĐK tỉnh) cho biết: Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp, như tuổi cao, chế độ ăn uống không hợp lý, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, ít hoạt động thể lực, thừa cân và béo phì, căng thẳng quá mức; mắc các bệnh lý về thận, nội tiết, bệnh tim mạch, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp...
Trên thực tế có nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không hề hay biết. Đến khi phát hiện, đã bị các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc phải chịu thương tật suốt đời. Không ít trường hợp bệnh nhân thấy có triệu chứng đau đầu thì cũng là lúc phát hiện mình bị xuất huyết não... Do đó, cần kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Nếu huyết áp tăng cao, sẽ có một số dấu hiệu cần hết sức chú ý: Nhức đầu, chảy máu mũi, vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc, tê hoặc ngứa ran các chi, buồn nôn và nôn, choáng và chóng mặt, đau tim… Đáng lo ngại hơn, khoảng trên 50% số người từ 60 tuổi trở lên bị mắc bệnh cao huyết áp, hầu hết là do di truyền.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo, để phòng bệnh tăng huyết áp thì nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế ăn mặn, thực hiện giảm cân. Bên cạnh đó, cần ngủ đủ giấc, giữ tâm trạng thư thái, vui vẻ; tăng cường tập thể dục; không nên dùng các loại đồ uống có chất kích thích. Cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp là tự đo huyết áp ở nhà vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)