Bộ GD-ĐT tự làm SGK là không cần thiết, nên thu hồi ngân sách
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng dùng ngân sách để làm thêm 1 bộ GSK riêng là không cần thiết, nên rút lại ngân sách để đầu tư cho các hoạt động khác.
Từ năm học 2020-2021, một chương trình sẽ có nhiều SGK. Theo tinh thần Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Song nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc này là không cần thiết, gây lãng phí ngân sách, trong khi việc xã hội hóa làm SGK đang được tiến hành thuận lợi.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, việc thực hiện một chương trình nhiều SGK tiến hành trên quan điểm đổi mới giáo dục của Nghị quyết 29. Nếu làm được sẽ phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nhất là đội ngũ nhà giáo có kinh nghiệm dạy học, có nhận thức, hiểu biết về đổi mới tham gia biên soạn SGK. Đội ngũ biên soạn SGK đông đảo, nhờ đó trẻ em được tiếp xúc kiến thức đa dạng.
Từ năm học 2020-2021, sẽ áp dụng 1 chương trình nhiều SGK.
“Quan điểm về chương trình và sách giáo khoa đã có sự thay đổi rất lớn. Trước đây, vai trò SGK rất quan trọng. Nhưng hiện nay, chúng ta thấy rõ bản chất vấn đề, rằng chương trình mới quyết định. Do tầm quan trọng của chương trình nên nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT phải tổ chức hoạt động xây dựng chương trình, tổ chức hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Được trực tiếp tham gia vào quá trình này cũng với rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo có kinh nghiệm, uy tín, tôi thấy rằng, cả hai hoạt động đều được Bộ GD-ĐT tổ chức tốt, có trình tự, nghiêm túc, khách quan và sẵn sàng tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa.
Cá nhân tôi cho rằng, cả 5 bộ SGK được Bộ GD-ĐT thẩm định đều đạt yêu cầu. Tất nhiên, không có gì hoàn hảo ngay từ đầu cả, các thành viên tham gia đã cố gắng tối đa, còn chất lượng, hiệu quả, tác động đến đâu, thực tiễn sẽ trả lời.
Sau này, khi thử thách vào thực tiễn, chúng ta phải đợi và không ai cấm Bộ GD-ĐT chỉnh sửa, bổ sung nếu thấy chưa hợp lý. Cái chính là không đặt SGK là quan trọng nhất, nên giáo viên, nhà trường hoàn toàn có quyền chọn cái gì tốt, phù hợp nhất để đưa vào giảng dạy”, bà Đan nói.
Nói về việc Bộ GD-ĐT dùng ngân sách biên soạn SGK, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, xưa nay Bộ GD-ĐT biên soạn sách bằng tiền ngân sách. Khi bàn về việc triển khai thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, vấn đề chính được đặt ra tại thời điểm đó là chưa dự báo được xã hội có tham gia đầu tư cho viết SGK hay không. Do đó mới có phương án có thể Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị, tổ chức viết một bộ SGK, phòng trường hợp không ai tham gia xã hội hóa biên soạn SGK.
Trong trường hợp phương án xã hội hóa được hưởng ứng, những nhà đầu tư chấp nhận rót vốn vào giáo dục, nhà nước không cần chi ngân sách cho việc này.
“Giờ mới vỡ lẽ, thì ra xã hội ta có không ít tổ chức, cá nhân hăng hái, sẵn sàng đầu tư cho giáo dục và cụ thể là viết SGK. Chúng ta nhìn vào nhiều nước trên thế giới, muốn phát triển chất lượng giáo dục đều phải xã hội hóa. Việc giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK trong giai đoạn đầu là phương án dự phòng. Đối chiếu với mục đích ban đầu và nhu cầu của thực tiễn hiện nay, rõ ràng, việc tiếp tục giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK bằng ngân sách nhà nước là không cần thiết”, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho biết.
Nhấn mạnh việc bỏ tiền ngân sách làm thêm 1 bộ GSK là không cần thiết, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, Nghị quyết 88 quy định dự phòng phương án Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Tuy nhiên, kết quả thực tiễn hiện nay đã trả lời, dự phòng không cần thiết. Ngân sách định dùng để làm sách nên được rút
lại hoặc để đầu tư cho trang thiết bị giáo dục hay cho giáo dục miền núi. Giáo dục Việt Nam còn cần đầu tư nhiều thứ khác như chi cho đào tạo lại giáo viên, bồi dưỡng tri thức, nhận thức của họ kĩ hơn, nhằm thay tư duy với những kiến thức mới hơn, tốt hơn.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)