Chế tạo máy cày động cơ điện để làm cỏ, bón phân trên nền đất tơi xốp
Nhằm giúp nông dân tiết kiệm thời gian, giải phóng sức lao động khi phải làm việc ngoài trời, 2 em học sinh Lê Tuấn Kiệt và Phạm Thị Hoài Phương (Trường THCS Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) đã chế tạo máy cày chạy bằng động cơ điện có thể làm cỏ, bón phân trên nền đất tơi xốp.
Máy có động cơ nhỏ gọn, dễ lái, dễ di chuyển, an toàn khi sử dụng với các chi tiết như khung sườn, hai bánh xe, bình ắc quy điện và hai lưỡi cày. Bên cạnh đó, lưỡi cày có thể điều chỉnh độ nông, sâu vào đất, giúp các công việc như bón phân, làm cỏ hoàn thành nhanh hơn gấp 5 lần so với 1 người làm bằng tay như trước đây.
Chiếc máy này có trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển từ rãnh này qua rãnh khác mà không làm hỏng các cây đang trồng trên luống, người dùng không cần phải có sức khỏe tốt để điều khiển, dễ dàng vận chuyển đến các nơi khác để làm việc. Đặc biệt, động cơ điện không có tiếng ồn và thân thiện với môi trường, giá thành phù hợp với người nông dân. Tuy vậy, vì đây là sản phẩm mới chưa có trên thị trường nên trong quá trình làm, các em cũng gặp không ít khó khăn, nhất là thiết kế vị trí lắp đặt bộ nguồn điện cung cấp cho động cơ.
Sau khi được nghe tư vấn của giáo viên hướng dẫn, các em đã tìm ra được phương án tối ưu, sau đó chiếc máy cày chạy bằng động cơ điện được đem ra thử nghiệm thực tế và được đánh giá cao bởi sự tiện lợi của nó.
Hiện tại 2 em Kiệt và Phương cùng thầy hướng dẫn đang tiếp tục có những điều chỉnh để máy có thể đạt tính năng tốt nhất.
Ông Ngô Vĩnh Thái, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Mỹ cho biết: Ngành luôn ủng hộ và tạo điều kiện để các trường, thầy cô giúp các em đưa lý thuyết đã học vào thực tiễn để có được những sản phẩm thực tế, giúp ích cho địa phương.
Sản phẩm máy cày động cơ điện để làm cỏ, bón phân trên nền đất tơi xốp được đưa vào thực tế đã mang lại những thuận lợi, giúp người nông dân ít tốn công chăm sóc cây trồng và cho hiệu quả cao hơn.
PHAN TUẤN (thực hiện)