Phản hồi tin “Tọa đàm về tình hình bão lụt năm 2013 và kinh nghiệm, giải pháp phòng tránh”:
Còn nhiều việc cần quan tâm hơn
Báo Bình Định số ra ngày 6.12, đưa tin “Tọa đàm về tình hình bão lụt năm 2013 và kinh nghiệm, giải pháp phòng tránh”, do Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung tổ chức với sự tham gia của Ban chỉ huy PCLB-TKCN 8 tỉnh miền Trung. Sau khi báo phát hành, đã có nhiều phản hồi của bạn đọc, chúng tôi trích đăng một số ý kiến đóng góp.
Phòng chống lụt bão phải nhìn từ những cánh rừng
Chỉ trong vòng 4 năm, hai trận lũ lịch sử đã xảy ra trên đất Bình Định. Trận lũ năm 2009, lượng mưa ở địa bàn huyện Vân Canh trên 800 mm; đây thuộc khu vực rất ít hồ chứa, nhiều rừng nhưng toàn rừng sản xuất. Rừng sản xuất, tới mùa khai thác họ chặt cây rừng hợp pháp nhưng tác hại chẳng kém gì phá rừng. Nên chăng ngành nông nghiệp cần có quy định rừng sản xuất phải khai thác theo quy trình “tỉa” cây, giữ lại mật độ nhất định để có tác dụng ngăn nước, chống rửa trôi. Vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Từ Văn Việt
(viettuvan@gmail.com)
Có 2 việc cần thiết phải rút kinh nghiệm trong bão lũ
Việc quan trọng đầu tiên là thông tin đến với người dân kịp thời, khẩn cấp, vừa qua chúng ta chưa làm được điều này. Hiện nay việc thông báo khẩn cấp đến người dân từ tỉnh xuống cấp huyện, xã, thôn, xóm không khó khăn gì, vì chúng ta có rất nhiều phương tiện thông tin truyền thông hỗ trợ. Nếu báo cho người dân biết trước vài giờ thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều.
Thứ hai là không nên cứng nhắc việc không cho người dân qua lại trên những tuyến đường ngập nước. Một số địa phương còn áp dụng máy móc, cứng nhắc, gián tiếp gây thiệt hại cho người dân. Đành rằng đây là biện pháp để đảm bảo tính mạng cho người dân trong bão lũ, nhưng thay vào đó ta hãy đảm bảo về phương tiện, áo phao và chỉ cho những người đàn ông biết bơi đi lại, để họ về nhà và lo cho nhà cửa, người thân của mình đang khẩn cấp kêu cứu trong bão lũ. Vừa rồi gia đình người thân của tôi tại khối Phú Văn, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng chỉ vì sự ngăn cấm quá cứng nhắc như thế này (!).
Hồ Văn Bình
(binhhovan@yahoo.com)
Thủy điện phải tích nước hợp lý thay vì xả lũ
Các đập thủy điện và các hồ chứa nước nên xây vững chắc đến mức tràn và tại mức tràn nên có bệ tràn kiên cố, để khi có mưa lũ nhỏ thì tích nước, khi có mưa lũ lớn đầy hồ thì nước tự do tràn an toàn theo bệ tràn, khi ấy lượng nước tràn và cường độ nước chảy chỉ bằng lúc chưa xây hồ đập.
Việc xả lũ qua cửa xả dưới chân hay thân đập chỉ sử dụng khi cần cải tạo đáy hồ hay khi cần chống hạn cho vùng hạ du. Như vậy sẽ không có vấn đề có nguy cơ vỡ đập, hay phải xả lũ khi mưa lũ lớn; vì khi có mưa lũ, vùng hạ du đang bị ngập mà có người mở cửa đập xả thêm nước, thì dù có đúng quy trình hay không cũng dễ gây tranh cãi hơn là để nước tràn tự nhiên. Mặt khác, cũng không thể xả lũ khi nghe bão sắp đến vì lỡ xả rồi mà mưa bão không đến thì nước đâu để chạy máy phát điện.
Nguyễn Trường Chấng
(truongchang1943@yahoo.com)
Cần trang bị cho người dân kỹ năng ứng phó với bão lũ
Tỉnh ta nằm trong khu vực thường xảy ra thiên tai bão lũ, hầu hết các đợt mưa lũ lớn đều có người chết, bị thương. Như trận lũ trung tuần tháng 11 vừa qua đã cướp đi 19 sinh mạng, nhiều người bị thương, trong đó không ít người do chủ quan mất cảnh giác; hoặc thiếu kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy hiểm, dẫn đến những cái chết oan uổng. Cho nên công tác phòng tránh thiên tai, bão lũ không nên chỉ triển khai đến cán bộ cấp phường xã, hoặc diễn tập điểm một vài địa phương, mà cần truyền đạt rộng rãi những kỹ năng cơ bản về phòng tránh thiên tai cho mọi người dân vùng thường có bão lũ.
Lyphuong78@gmail.com
NGỌC DIÊN (Thực hiện)