Tây Sơn vào mùa khai thác mây rừng
Những ngày gần đây, các đầu mối mua gom mây rừng tăng mạnh, giá lại khá nên nhiều người dân ở các xã Tây Phú, Bình Tường và Vĩnh An, huyện Tây Sơn rủ nhau khai thác mây rừng.
Thương lái thu mua mây tươi tại xã Tây Phú.
Có 2 loại mây được thương lái mua gom là mây tắt và mây nước (mây tắt có giá 10.000 đồng/1kg mây tươi; mây nước 5.000 đồng/1kg mây tươi). Mây nước thân to, có đường kính từ 2 đến 3 cm. Sau khi thu hoạch bóc vỏ sạch sẽ, cây mây nước được đánh gập đôi để kéo xuống núi. Loại này to nên vận chuyển khá nặng, những người không đủ sức khó có thể di chuyển ra khỏi rừng. Mây tắt là những sợi mây nhỏ khoảng 0,5 - 1 cm quấn quanh các thân gỗ lớn. Thu hoạch loại này nhẹ nhàng hơn tuy nhiên tiêu tốn khá nhiều thời gian để làm sạch vỏ vì gai mây khá dày. Sau khi làm sạch quấn thành từng vòng mang ra khỏi rừng.
Người đi khai thác mây rừng thường xuất phát khoảng 4 giờ sáng, mang theo thức ăn, nước uống đủ dùng cho một ngày. Họ chia ra thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 2 - 3 người, khi phát hiện vùng có mây rừng, họ sẽ chia nhau cắt, phát, làm vệ sinh, cuộn mây thật gọn, nhanh. Ông Nguyễn Sụn, một người thường đi khai thác mây ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú chia sẻ: Nghề khai thác mây khá vất vả. Cần có sức khỏe, đôi chân vững chắc, bàn tay giỏi chịu đau. Mình có giữ kiểu gì thì rồi cũng sần sùi, nứt toác vì gai mây. Mỗi ngày một người đi khai thác mây rừng có thể kiếm được từ 300 - 400 nghìn đồng. Những hôm trúng luồng mây, hoặc thanh niên trai tráng làm khỏe có thể lên từ 500 - 600 nghìn đồng.
Ở huyện Tây Sơn hiện có 2 điểm mua gom mây rừng. Thương lái mua gom lượng mây đủ cho chuyến xe, thường là từ 7 - 10 tấn, chuyển bán cho các đầu mối tiêu thụ ở An Nhơn, Hoài Nhơn.
ÁNH NGUYÊN