Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Nhiều chuyển biến tích cực
Những năm qua, thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các loại rừng ở tỉnh ta có thêm điều kiện phát triển bền vững.
Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn phối hợp tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Nam Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) tuần tra bảo vệ rừng.
Huyện An Lão là địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL,BV&PTR), như: Xây dựng phương án giao đất, giao rừng; điều chỉnh bổ sung quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ rừng và PCCC rừng… đã góp phần tăng độ che phủ rừng của huyện tăng từ 78% (năm 2016) lên 81,5% (năm 2019).
Nhìn chung công tác QL,BV&PTR được triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có của tỉnh; năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao
Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam, cho biết: “Toàn huyện hiện có hơn 60.200 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch phát triển lâm nghiệp, hướng đến chuyển hình thức khoán bảo vệ rừng từ hộ gia đình chuyển sang cho cộng đồng bảo vệ để phát huy hiệu quả; rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp chưa có sổ đỏ để làm thủ tục giao đất cho người dân trồng rừng phát triển kinh tế…”.
Việc thực hiện các chính sách QL,BV&PTR đã góp phần ổn định đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đinh Văn Hói, ở thôn 2, xã An Toàn, huyện An Lão, thổ lộ: “Người dân ở đây được ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền bảo vệ rừng, được khai thác nguồn lợi từ rừng lại được nhận khoán bảo vệ rừng với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/hộ/năm, nên bà con có cuộc sống ổn định hơn, tích cực tham gia bảo vệ rừng”.
Huyện Vĩnh Thạnh là “điểm sáng” khác trong tỉnh về giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ mang lại hiệu quả tích cực, tăng độ che phủ rừng của huyện Vĩnh Thạnh đến cuối năm 2019 đạt 75,81%. Ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: “Đơn vị được giao quản lý hơn 32.000 ha rừng. Chúng tôi khoán cho cộng đồng dân cư 8 xã, thị trấn quản lý, bảo vệ hơn 21.800 ha rừng. Nhờ đó, tình trạng xâm hại rừng ở huyện đã giảm đáng kể, các vụ việc vi phạm xâm hại rừng được phát hiện, xử lý kịp thời”.
Huyện Tây Sơn cũng là địa phương thực hiện có hiệu quả công tác QL,BV&PTR khi giao khoán hơn 13.000 ha rừng trong tổng diện tích đất có rừng (hơn 33.700 ha) cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ. Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn, nhận thức của người dân về BV&PTR, PCCC rừng được nâng lên rõ rệt. Bà con đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực nhận khoán rừng trồng, chăm sóc rừng phòng hộ; bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về QL,BV&PTR, quản lý lâm sản.
Theo kết quả phê duyệt diễn biến rừng năm 2019 của UBND tỉnh, cả tỉnh hiện có hơn 380 nghìn ha diện tích đất phân theo chức năng 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); trong đó có hơn 307.600 ha diện tích đất có rừng, còn lại là đất chưa có rừng. Thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong 5 năm qua, tỉnh ta đã giao khoán bảo vệ rừng hơn 574 nghìn lượt ha; khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 29.677 lượt ha; trồng hơn 43.88 ha rừng, trong đó trồng 2.939 ha rừng gỗ lớn…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) Lê Đức Sáu, cho biết: Nhìn chung công tác QL,BV&PTR được triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có của tỉnh; năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao, tạo thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT-XH, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Đến năm 2019, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 55,20%, tăng 2,7% so với năm 2016.
Để hướng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh kế hoạch phát triển lâm nghiệp 5 năm giai đoạn 2021-2025 với các chương trình nâng cao giá trị gỗ rừng trồng sản xuất, tăng độ che phủ rừng, phát triển cây gỗ lớn; thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN