Sáng tạo khoa học kỹ thuật ở Hoài Nhơn: Nhà trường, giáo viên đồng hành với học sinh
Các cuộc thi sáng tạo KHKT tạo cho học sinh nhiều cơ hội thực hành, trải nghiệm. Ở Hoài Nhơn, ngoài việc tham gia và đạt giải cao tại các cuộc thi do tỉnh, huyện tổ chức, các trường còn có những hoạt động riêng, giúp các em học đi đôi với hành.
Không chỉ là huyện có nhiều đề tài tham gia các cuộc thi sáng tạo KHKT, Hoài Nhơn còn là địa phương có nhiều đề tài đạt giải cao. Như ở Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019 - 2020 có tất cả 6 giải nhất, thì cả 6 đều thuộc về Hoài Nhơn. Thế nhưng, quan trọng hơn, sáng tạo KHKT đã trở thành hoạt động học tập thực tế được nhiều học sinh hăng hái tham gia, nhiều trường ở Hoài Nhơn có những cách làm riêng đầy sáng tạo.
Tốt cho học sinh thì gắng làm
Tự hào về hoạt động sáng tạo KHKT của Trường, phòng hiệu trưởng của Trường THCS Hoài Châu Bắc trưng bày, lưu giữ đầy đủ thành tích, hồ sơ đề tài của các em. Nhà trường còn xây dựng phòng trưng bày riêng để trưng bày sản phẩm do học sinh làm ra.
Thầy Đỗ Đức Thại, giáo viên dạy Vật lý Trường THCS Hoài Châu Bắc hướng dẫn học trò khởi động sản phẩm máy bóc vỏ đậu phụng thông minh.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Châu Bắc, cho biết: “Để học sinh và giáo viên chủ nhiệm của các lớp đều được tham gia chứ không chỉ những em xuất sắc, khoảng 3 năm gần đây nhà trường tổ chức các cuộc thi sáng tạo KHKT cấp trường. Theo đó, tổ chức thi nghiên cứu KHKT cho học sinh khối 8 và khối 9, còn khối 6 và khối 7 tổ chức thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Sau đó, từ cuộc thi chúng tôi chọn ra những ý tưởng tốt để tiếp tục phát triển”.
“Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với ban giám hiệu các trường, sáng tạo KHKT là cơ hội để học sinh của mình trải nghiệm, học đi đôi với hành. Thầy cô hướng cho các em đầu tư, nghiên cứu vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống, là điều rất quan trọng, đúng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Cái gì tốt cho học sinh thì giáo viên gắng làm”.
Bà NGUYỄN THỊ HOÀI ANH, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Nhơn
Với Trường THCS Hoài Sơn, trường miền núi duy nhất của huyện, sáng tạo KHKT là cách để các em hào hứng đến trường, vui chơi, trải nghiệm. Ông Huỳnh Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Phụ huynh học sinh ở khu vực miền núi thường ít quan tâm chuyện học của con em mình so với khu vực đồng bằng, vì vậy chúng tôi càng phải nghĩ ra nhiều hoạt động để các em vui học. Nhằm khuyến khích các em học tập, liên hệ thực tiễn, hàng năm trường tổ chức cuộc thi ý tưởng học sinh, đó có thể là ý tưởng các em tự nghĩ ra hoặc do trao đổi với gia đình, người thân. Sau đó chúng tôi chọn ý tưởng tốt để triển khai thêm, còn đối với ý tưởng chưa đạt, chúng tôi hướng dẫn thêm cho các em hoàn chỉnh. Ngoài ra, nhà trường còn có CLB Em yêu khoa học. Hàng tháng nhà trường tổ chức khen thưởng những em có ý tưởng hay để khuyến khích các em”.
Thầy trò song hành
Điều dễ thấy ở hệ thống đề tài sáng tạo ở Hoài Nhơn là tính gần gũi, phù hợp với lứa tuổi các em cũng như đời sống sinh hoạt nơi các em cư trú. Do vậy, đa số đề tài tập trung vào nghề biển, nghề nông. Em Nguyễn Trà My, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hoài Sơn với đề tài Máy sạ lúa thông minh đạt giải nhất cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2019 - 2020, chia sẻ: “Gia đình em làm nông, bố mẹ em rất vất vả, khi sạ lúa phải trải qua 3 khâu là tạo rãnh, làm rò, gieo hạt giống nên em có ý tưởng muốn 3 khâu thực hiện cùng lúc, bố mẹ cũng như bà con đỡ vất vả. Sau khi nêu ý tưởng, thầy giáo đã giúp em thực hiện, qua đó em biết thêm nhiều kiến thức”. Hoặc tương tự là ý tưởng làm máy bóc vỏ đậu phụng thông minh của em Phan Nguyễn Minh Nhân, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hoài Châu Bắc.
Thầy Phạm Văn Quốc, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THCS Hoài Sơn, chia sẻ: Khi làm việc với các em, dù cực và khó khăn nhưng thầy trò có nhiều niềm vui. Tranh thủ giờ tan học, thầy trò lại vận hành máy móc, lúc trưa nắng cũng ra đồng làm thử, nhiều lúc gần thành công lại hư hỏng, mọi thứ phải làm lại. Để phát triển được ý tưởng cho các em, chính chúng tôi cũng phải học tập, trau dồi hơn rất nhiều, đặc biệt là vấn đề kết nối, đối chiếu lý thuyết với thực tiễn. Điều thú vị là đôi lúc mình còn được học từ học trò của mình. Đó là niềm vui của người thầy!
THẢO KHUY