Ðưa hoạt động khai thác thủy sản vào nền nếp
Sau gần 1 tháng túc trực kiểm tra việc thực thi Luật Thủy sản tại khu vực cảng cá Quy Nhơn, Ðề Gi, hoạt động của tổ công tác liên ngành đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm luật, các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh Bình Định đã triển khai 4 tổ công tác liên ngành (gồm CA, BĐBP, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi), với 2 tổ trên bờ và 2 tổ dưới nước, để kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động khai thác thủy sản (KTTS).
Chuyển biến mạnh mẽ
Công tác quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động KTTS, tàu cá ra vào, neo đậu tại các cảng cá được thực hiện nghiêm ngặt, liên tục, nhờ vậy ngư dân mau chóng chấp hành tốt các quy định. Ngư dân Lê Thanh Mầm, ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu lưới vây ánh sáng BĐ 98236-TS, dài 22,7 m, cho biết: “Trước khi xuất bến, ngành chức năng sẽ kiểm tra sổ danh bạ thuyền viên, giấy phép KTTS, bằng thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá… Đặc biệt, thiết bị giám sát hành trình tàu cá được kiểm tra niêm phong, kẹp chì, đảm bảo hoạt động thông suốt. Việc ra vào cảng phải tuân thủ quy định báo trước 1 giờ với Ban quản lý cảng cá và được đoàn liên ngành kiểm tra trước khi ra vào cảng. Đầy đủ các thủ tục, điều kiện như trên tàu mới được ra khơi!”.
Tổ công tác liên ngành dưới nước tuần tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá Quy Nhơn.
Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng liên ngành đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động không chỉ của ngư dân, chủ tàu, các DN mua gom chế biến xuất khẩu thủy sản, mà cả chính cán bộ của các cơ quan quản lý cảng cá cũng thêm nghiêm túc, chặt chẽ trong thực thi nhiệm vụ. Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: “Chuyển biến mạnh mẽ nhất là sự thay đổi tích cực trong nhận thức của ngư dân - đặc biệt là nhóm làm nghề lưới kéo (giã cào). Họ đã đăng ký đầy đủ giấy tờ hoạt động; các tàu cá thiếu giấy tờ, không đăng ký, sau khi được thông báo mất tích cũng đã nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục để được cấp giấy phép KTTS”.
Hoạt động từ cuối tháng 4.2020 đến nay, 4 tổ công tác trên bờ và dưới nước đã góp phần đảm bảo ANTT tại cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Các tổ công tác liên ngành đã kiểm tra gần 300 lượt tàu cá xuất nhập cảng; qua đó xử phạt 23/24 trường hợp vi phạm các quy định về KTTS với tổng số tiền gần 80 triệu đồng, còn 1 trường hợp tàng trữ kích điện hoạt động xung điện, ngành chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.
Trách nhiệm hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa
Phát huy đà chuyển biến trên, để tiếp tục nâng cao năng lực thực thi Luật Thủy sản, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền các huyện, thành phố ven biển chỉ đạo, điều hành các tổ công tác liên ngành duy trì hoạt động hiệu quả hơn nữa, tránh tư tưởng “nhà nước chỉ làm căng những ngày đầu, sau đó sẽ đâu vào đấy”.
“Không có “thẻ vàng” của EC thì muốn hướng đến một nghề cá bền vững và có trách nhiệm, chúng ta vẫn phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt như hiện nay”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU
Đại tá Trần Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho rằng: “Lực lượng chức năng phải làm chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý tàu cá, hoạt động KTTS, đảm bảo tất cả các phương tiện tàu thuyền hoạt động KTTS phải được kiểm soát trên bờ lẫn dưới nước. Ngành Nông nghiệp cần rà soát, thống kê lại số tàu cá Bình Định hoạt động ngoài tỉnh gửi BĐBP tỉnh để phối hợp với BĐBP các tỉnh kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tình trạng tàu cá Bình Định hoạt động ngoài tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Còn thượng tá Lương Văn Toàn, Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế (PA 04) CA tỉnh, thì nhìn nhận, sau một thời gian dài đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định IUU, đến nay hầu hết ngư dân trong tỉnh đã hiểu được rằng chấp hành luật pháp là vì lợi ích lâu dài, bền vững của chính mình. “Tôi nghĩ, việc rất nên làm lúc này là liên tục tăng cường kiểm soát tàu cá, xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm để chuyển biến nhận thức của ngư dân trở thành nếp. Không chỉ lực lượng liên ngành thực hiện nhiệm vụ, mà chính quyền các địa phương cũng phải có trách nhiệm”, thượng tá Toàn nói.
Chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị không chỉ riêng của tỉnh Bình Định, mà của cả nước. Chính vì vậy, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương phải cùng nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản, chống khai thác IUU. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh: “Suy cho cùng, không có “thẻ vàng” của EC thì muốn hướng đến một nghề cá bền vững và có trách nhiệm, chúng ta vẫn phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt như hiện nay. Ngư dân phải tuân thủ pháp luật, tàu hoạt động KTTS phải có giấy tờ đầy đủ, cảng cá phải sạch sẽ… Có như vậy, nghề biển Bình Định nói riêng, cả nước nói chung mới hội nhập được với khu vực và quốc tế”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN